Câu chuyện hàng chục nghìn căn hộ chung cư bị “treo” sổ hồng bao giờ mới kết thúc?

(CL&CS) - Việc các chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng (treo sổ hồng) cho cư dân thời gian qua gây bức xúc dư luận, theo đó, còn kéo theo nhiều hệ lụy mà khách hàng mua nhà là người chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Hàng chục nghìn căn hộ bị “treo” sổ hồng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Theo thống kê, tại TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 50.000 căn hộ đang bị "treo" sổ hồng. Trong khi đó, tại Hà Nội hiện cũng có hàng chục dự án chung cư dù cư dân đã về ở nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng).

Lấy đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, trường hợp tại chung cư lô 3-4, cụm I thuộc khu dân cư Trung Sơn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần Đầu tư Việt Tâm làm CĐT đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ năm 2018. Đến nay CĐT chưa thể hoàn tất thủ tục để nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận.

Hay như dự án Richmond City tại quận Bình Thạnh do Công ty Xây dựng Bình Triệu làm CĐT đã đưa vào sử dụng từ năm 2021; dự án 8X Thới An tại quận Gò Vấp hoàn thành từ năm 2016 cũng chưa thể ra sổ cho người dân.

Hay như tại khu vực Hà Nội, tình trạng cư dân bức xúc vì bị “treo” sổ hồng cũng diễn ra như “cơm bữa”.

Cụ thể, chung cư số 129D Trương Định (quận Hai Bà Trưng) do 2 Công ty cổ phần Đồng Tháp và Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội 22 (Handico 22) là đồng chủ đầu tư và được bàn giao nhà để cư dân về ở từ năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, việc cấp sổ hồng cho các hộ dân chưa được thực hiện. Nguyên nhân là do dự án chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng và chủ đầu tư chưa thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Ngoài ra, trường hợp tại chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hơn 500 hộ dân tại chung cư này đang bị tạm dừng tiếp nhận hồ sơ dù đã về ở từ năm 2017 và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư.

Cư dân chung cư New Horizon City căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng.  

Tương tự, chung cư Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư đã bắt đầu bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2014. Dự án được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng. Tuy nhiên, sau nhiều năm về ở, cư dân tại đây hiện vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao sổ hồng, khiến cư dân bức xúc nhiều lần xuống đường căng băng rôn đòi quyền lợi.

Đại diện Ban quản trị tòa nhà cho biết, hiện toàn bộ cư dân đã hoàn thành hết nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, đóng hết 99% giá trị căn hộ và nghĩa vụ với Nhà nước, nhưng sau 5 năm về sinh sống, chưa.

Hay mới đây nhất, hàng trăm cư dân đang sinh sống tại Chung cư Mỹ Sơn tower – 62 Nguyễn Huy Tưởng – P. Thanh Xuân Trung – Q. Thanh Xuân – T.P Hà Nội một lần nữa lại căng băng rôn đòi quyền lợi từ phía chủ đầu tư. Được biết, hiện tại đã có khoảng 90% số hộ dân (căn hộ) nhận nhà và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, là Công ty Cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn, nhưng những hộ dân đang sinh sống tại Chung cư Mỹ Sơn Tower đều chưa nhận được sổ hồng, chưa được pháp luật công nhận về nơi ở.

Trước đó, tại dự án King Palace (108 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) hàng trăm cư dân tập trung, treo căng rôn đòi quyền lợi từ chủ đầu tư. Nguyên nhân được cư dân cho biết là muốn đòi quyền lợi vì vấn đề cấp sổ hồng cho cư dân.

Một người dân sinh sống tại dự án này cho biết, văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội gửi xuống cho biết từ chối hồ sơ cấp sổ của chủ đầu tư với lý do chưa có hợp đồng thuê đất, chưa đo mốc giới và đóng các điều kiện về mặt tài chính, thuế đất chưa hoàn thiện. Vì thế, dự án chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng tại đây.

“Mặc dù văn bản là như thế nhưng chủ đầu tư vẫn khẳng định đã hoàn thiện những điều kiện trên rồi. Chúng tôi nhận thấy đây là dấu hiệu lừa dối cư dân khi mà chúng tôi đã nhận nhà gần 2 năm nhưng vẫn chưa được bàn giao sổ hồng”, người này bức xúc.

Nguyên nhân chính dẫn đế việc chủ đầu tư “treo” sổ hồng

Ông Lê Thành Phương, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, việc cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ chung cư hiện có 3 vướng mắc khiến căn hộ chậm được cấp hoặc không được cấp sổ hồng. Các vướng mắc này đều liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, cụ thể:

Thứ nhất là do chủ đầu tư đã thế chấp dự án tại ngân hàng nên người mua nhà hoặc căn hộ không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và căn hộ. Trường hợp này, để các hộ dân trong dự án được cấp sổ, chủ đầu tư phải giải chấp và nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thứ hai là do dự án của chủ đầu tư vi phạm xây dựng. Để có đủ điều kiện cấp sổ hồng cho các căn hộ, chủ đầu tư dự án phải khắc phục hết mọi vướng mắc về pháp lý của công trình nhà ở.

Thứ ba liên quan việc chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Theo đó chủ đầu tư phải thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) thì mới đủ điều kiện cấp sổ hồng cho các căn hộ trong dự án.

Nhiều chuyên gia cho đánh giá, khách hàng mua nhà là bên vô can, lẽ ra phải được cấp sổ hồng trước, còn nghĩa vụ tài chính phát sinh là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước. Vì vậy các cơ quan chức năng nên cần tách bạch hai vấn đề này, sớm giải quyết cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà.

Câu chuyện “treo” sổ hồng bao giờ kết thúc?

Cũng theo ông Lê Thành Phương – Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, thực tế số lượng nhà tại các dự án nhà ở chưa được cấp sổ hồng còn rất nhiều, dù người mua đã nhận bàn giao nhà và sinh sống ổn định. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của người dân, chủ đầu tư cũng như thị trường bất động sản.

Từ tháng 10/2021, Sở TN&MT TP.HCM đã triển khai kế hoạch để đẩy nhanh việc cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Hiện tại, Sở TN&MT đang giải quyết cấp sổ hồng tại 390 dự án, tăng 38 dự án so với năm 2021. Trong năm 2022, Sở đặt chỉ tiêu cấp 20.000 sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án.

Câu chuyện “treo” sổ hồng bao giờ kết thúc vẫn là một vấn đề nam giải.  

Từ đầu năm đến nay, đã có 16.000 căn nhà tại các dự án phát triển nhà ở được cấp sổ hồng. Còn 5.757 hồ sơ đang chờ cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà. Số lượng hồ sơ tiếp nhận theo hình thức online đạt gần 8.600 hồ sơ.

Theo kế hoạch, từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2023, Sở TN&MT sẽ tập trung cấp sổ hồng cho 37.421 căn nhà đủ điều kiện. Đến hết năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục cấp sổ hồng cho các dự án có vướng mắc được tháo gỡ và các dự án có văn bản thẩm định mới.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Trâm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản hay Luật Nhà ở hiện hành, chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ, trừ trường hợp chủ đầu tư và người mua căn hộ có thỏa thuận khác.

Việc cư dân mua căn hộ chung cư và chuyển vào ở nhiều năm mà vẫn chưa được bàn giao sổ hồng thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư. Vì vậy, để tránh mua phải các dự án vi phạm, người mua nhà chung cư nên tìm hiểu, tham vấn pháp luật trước để tránh thiệt hại về diện tích nhà ở, giá trị công trình và rủi ro pháp lý khác, cũng cần phải xem xét kỹ các điều khoản trong Hợp đồng mua bán nhà ở về việc bàn giao sổ hồng.

“Nếu chủ đầu tư đang có hành động chây ì, chậm làm sổ hồng chung cư gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, người mua nhà có thể yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện thủ tục hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm nói trên”, Luật sư Trâm nhấn mạnh.

 

Chủ đầu tư chậm làm sổ hồng có thể bị phạt lên tới 1 tỷ đồng

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua sẽ bị phạt tùy vào mức độ vi phạm.

Trong đó, mức thấp nhất là từ 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ mức 10 triệu đến 100 triệu đồng; mức vi phạm 6-9 tháng sẽ bị phạt tối đa 300 triệu đồng; 9-12 tháng, mức phạt tối đa là 500 triệu đồng; từ 12 tháng trở lên, mức phạt tối đa là 1 tỷ đồng.

An Nhiên

Bình luận

Nổi bật

Lý giải nguyên nhân nhà trong ngõ tại Hà Nội liên tục tăng giá

Lý giải nguyên nhân nhà trong ngõ tại Hà Nội liên tục tăng giá

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:56

Trong khi nguồn cung căn hộ khan hiếm, căn hộ bình dân gần như không còn, chỉ còn lượng nguồn cung từ phân khúc cao cấp đã khiến các loại hình nhà ở khác tăng giá mạnh thời gian qua. Ở đó, nhà trong ngõ là một điển hình.

Thị trường bất động sản đã sẵn sàng cho “cuộc chơi mới”?

Thị trường bất động sản đã sẵn sàng cho “cuộc chơi mới”?

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:55

Những hộ trợ từ chính sách, doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường ngày càng nhiều, người mua cũng đã tính chuyện “xuống tiền”, môi giới cũng đang rục rịch quay lại thị trường,…là những động lực để thị trường bất động sản bước vào chu kỳ mới, một “cuộc chơi mới”.

Cần triệt để gỡ vướng nhà ở xã hội để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung

Cần triệt để gỡ vướng nhà ở xã hội để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:53

Tình trạng lệch pha cung – cầu trên thị trường bất động sản đã hết lần này tới lần khác đưa thị trường vào cảnh éo le, nhà đầu tư hay khách hàng cũng đứng giữa “đôi dòng nước” nên mua vào hay bán ra? Tâm lý thị trường cũng dần rà dễ bị đẩy lên đến đỉnh điểm nếu hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) xảy ra. Để giải quyết tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng, cần phải thúc đẩy nguồn cung nhà ở giá rẻ, trong đó, chú trọng phát triển nhà ở xã hội (NOXH).