Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 11/01/2014, 10:00 AM

Cảnh giác khi chăm bé sơ sinh ở bệnh viện

Sau vụ một bé sơ sinh bị bắt cóc ngay tại phòng hậu sản Bệnh viện đa khoa quận 7, TP HCM, nhiều người giật mình vì sự cả tin của bản thân cũng như công tác an ninh lỏng lẻo tại các bệnh viện. 

Vừa sinh con hồi tháng 10 tại một bệnh viện đa khoa ở TP HCM, chị Bích Lan kể, nghe tin bắt cóc mà bủn rủn cả người, bởi ngày chị sinh mẹ chị từng gửi cháu cho người mới quen trong viện để đi vào phòng hồi sức đẩy con ra. Còn ngày chị xuất viện, chỉ có một anh bảo vệ đến hỏi thăm lúc cả nhà đã lỉnh kỉnh đồ đạc xuống đến sảnh tầng trệt bệnh viện.

Thực tế, không chỉ Bệnh viện đa khoa quận 7 mà hiện nay tại nhiều cơ sở y tế lớn ở TP HCM, công tác bảo vệ trẻ sơ sinh còn lỏng lẻo. Ở một bệnh viện phụ sản lớn, thường khi trẻ được đưa ra khỏi bệnh viện, các bảo vệ đều hỏi giấy tờ xuất viện và ghi vào sổ theo dõi. Tất cả đứa trẻ này đều đi kèm sản phụ cùng người nhà và rất nhiều túi, giỏ… Sản phụ phải có giấy xuất viện thì bảo vệ mới mở cổng cho xe ôtô ra vào để đưa trẻ ra ngoài. Tuy nhiên, nếu bố mẹ đứa trẻ đi xe máy và gia đình chỉ có một túi nhỏ, bảo vệ sẽ không hỏi đến giấy xuất viện vì đương nhiên nghĩ rằng đó là những trẻ đi tiêm phòng hay khám bệnh.

Theo thiết kế của bệnh viện, phòng nội trú của bệnh nhi nằm trong, phòng bác sĩ và hộ lý ở ngay bên ngoài, nhưng không phải lúc nào các y bác sĩ cũng mở cửa để nhìn xem có gia đình nào bế trẻ đi đâu không. Ở một số bệnh viện đa khoa, phòng bác sĩ hộ lý và phòng nội trú của sản phụ và trẻ sơ không gần nhau thì việc theo dõi những đứa trẻ sơ sinh càng khó khăn hơn.

Vì thế, tại Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, các bác sĩ và nữ hộ sinh không quên nhắc nhở người nhà bệnh nhân nâng cao cảnh giác ngay khi được trao con. Khi đưa trẻ đi tắm, khám bệnh, tiêm phòng hay làm bất kỳ việc gì, các y bác sĩ đều yêu cầu người nhà đi cùng. Ngược lại, nếu thấy em bé được người nhà bế ra khỏi phòng, các y bác sĩ đều hỏi xem hành động này có do chỉ định của bác sĩ không. Ngoài ra, sản phụ cũng được nhắc nhở không cho người lạ vào phòng. 

Các y bác sĩ cũng lo ngại kẻ xấu có thể lẻn vào phòng bắt cóc trẻ trong giờ ngủ, vì thế luôn nhắc nhở gia đình cài kỹ cửa phòng mỗi khi đi ngủ. Vì thực tế, ở bệnh viện, người ta vẫn có thể bắt gặp những em bé chưa đầy tháng tuổi đến khám bệnh, nên nếu không có đồ đạc xuất viện kèm theo thì bảo vệ cũng ít khi hỏi giấy xuất viện, chứng sinh.

Sau vụ trẻ bị bắt cóc tại bệnh viện Phụ sản Trung ương vào tháng 11/2011, ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM có những quy định chặt chẽ hơn về công tác quản lý trẻ sơ sinh. Trong các cuộc họp, bệnh viện thường xuyên nhắc nhở hộ lý, điều dưỡng, nhân viên bảo vệ luôn chú ý thắt chặt an ninh, đề phòng các trường hợp rủi ro.

Bệnh viện Từ Dũ là một trong những bệnh viện có quy trình bảo vệ trẻ sơ sinh nghiêm ngặt nhất. Sắp tới khuôn viên dành cho trẻ sơ sinh sẽ được tách khỏi khu vực khám và điều trị nhi. Tại đây, trẻ sau sinh được nữ hộ sinh chăm sóc, làm rốn và đeo lắc tay gồm họ tên, tuổi, số nhập viện của người mẹ và ngày giờ sinh, giới tính, cân nặng của bé sơ sinh. Ngoài ra, bé còn được viết lên đùi trái cũng như dán băng keo trên ngực thông tin về tên mẹ, số nhập viện của mẹ… Sau đó, nữ hộ sinh bế bé đến cho mẹ thăm và mời gia đình lên thăm bé tại khoa sinh.

Sau khi được chuyển đến khoa hậu sản, hậu phẫu sản, trẻ sẽ được cho nằm với mẹ 24/24h. Nữ hộ sinh tắm cho bé cũng tại phòng mẹ. Khi cần cho bé đi khám, đi xét nghiệm…, gia đình sẽ bế bé đi cùng với nhân viên y tế. Khi xuất viện, bệnh viện quy định bảo vệ tại cổng sẽ kiểm tra, đối chiếu bé sơ sinh với giấy ra viện của mẹ (hoặc giấy ra viện của bé nếu bé nằm tại Khoa sơ sinh, mẹ đã xuất viện trước đó).

Trường hợp mẹ xuất viện, con còn gửi Khoa sơ sinh thì khi bé ổn định xuất viện, người nhà đón bé cần xuất trình giấy ra viện của mẹ, giấy gửi bé vào khoa sơ sinh. Từ đó, khoa sơ sinh sẽ cấp cho gia đình giấy ra viện của bé. Bảo vệ bệnh viện sẽ kiểm tra đối chiếu khi gia đình bế bé qua cổng.

Đặc biệt, trong phòng bệnh và hành lang các khoa sinh, khoa sơ sinh, hậu sản, hậu phẩu sản tại Bệnh viện Từ Dũ đều có bảng dán thông tin “Tuyệt đối không cho người lạ bế bé ra khỏi phòng mẹ, dù người đó mặc đồng phục bệnh viện hay người trong gia đình nếu không có ý kiến của nhân viên phụ trách phòng. Khi cần cho bé đi khám, đi xét nghiệm… gia đình sẽ bế bé cùng đi với nhân viên y tế”.

“Tuy bệnh viện có những kiểm soát chặt chẽ an ninh nhưng rất cần sự hỗ trợ của chính sản phụ và người nhà. Cần đề cao cảnh giác, không tin vào người lạ. Thông thường bệnh viện phát loa 4 lần/ngày để cảnh báo, cần chú ý theo dõi thông tin này để tăng cường phòng vệ cho mình”, đại diện bệnh viện Từ Dũ cho biết.

Lê Phương – Kim Anh

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.