Dữ liệu cũ
Thứ hai, 17/03/2014, 10:12 AM

Cần có chế tài xử lý cơ quan quản lý “né tránh” báo chí

Mặc dù đã có quy định về việc các cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) phải có phản hồi với báo chí trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phản ánh nhưng theo khảo sát trên một số lượng lớn các nhà báo đang công tác, chỉ một phần nhỏ các nhà báo nhận được phản hồi của cơ quan QLNN đúng thời hạn, số còn lại cố tình “lờ” đi, số khác chỉ trả lời ở mức chung chung, thiếu cụ thể.

Đa số “né tránh”

Ngày 2/12/2013, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) và Đại sứ quán Anh phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo Tăng cường liêm chính, thúc đẩy giải trình thông qua báo chí với cơ quan QLNN.

Ông Mai Phan Lợi- Trưởng ban đại diện Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội cho biết: Hiện nay, hành lang pháp lý về trách nhiệm phản hồi của lãnh đạo cơ quan QLNN, tổ chức Đảng với các vấn đề của công dân phản ánh qua báo chí khá rõ ràng tại Điều 8 của Luật Báo chí (thời hạn đặt ra cho việc phản hồi của cơ quan QLNN là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến). Tuy nhiên việc xây dựng văn bản xử phạt lại không được chú ý tương ứng.

“Hiện nay tại Nghị định 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm Luật Báo chí lại không có điều khoản nào quy định xử lý đối với cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng vi phạm thời hạn hoặc trách nhiệm phản hồi”, ông Việt cho biết thêm.

Tại Hội thảo, MEC đã đưa ra mức khảo sát đánh giá trên 279 nhà báo trẻ trong thời gian qua cho thấy, chỉ có 25% nhà báo cho biết đã nhận được phản hồi của cơ quan QLNN, tổ chức Đảng đúng thời hạn 30 ngày; số còn lại là không nhận được phản hồi hoặc phản hồi quá chậm so với thời hạn luật định.

Bàn về tình trạng các cơ quan cơ quan QLNN “né tránh”, chưa tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, ông Việt đưa ra 3 nguyên nhân cơ bản là do hiện nay luật pháp vẫn chưa có chế tài cho việc chậm trả lời báo chí của cơ quan QLNN; các luật mới sửa đổi, soạn mới đã tước quyền của báo chí. Bên cạnh đó là xu hướng kiểm soát báo chí chặt hơn của các cơ quan QLNN.

Tuy nhiên ngoài những nguyên nhân trên, nhiều ý kiến cũng thừa nhận bản thân các cơ quan báo chí đã không theo sát vụ việc để nhận được hồi đáp của cơ quan QLNN. Một lãnh đạo Phòng Thanh tra Báo chí- Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một trong những biểu hiện thuộc về kỹ năng của báo chí chính là “Không theo sát vụ việc đến cùng”.

Theo vị đại diện này, hiện có rất nhiều trường hợp cơ quan báo chí không theo sát vụ việc đến cùng, không theo dõi nên không biết tổ chức được yêu cầu có trả lời hay không, nếu họ không trả lời cũng không thực hiện các bước tiếp theo như chuyển ý kiến đến cấp cao hơn hay tiếp tục đưa lên mặt báo. Chính cách làm nửa chừng này đã đẩy nhiều vụ việc mà công dân có ý kiến rơi vào quên lãng.
“Mặt khác, khi cơ quan báo chí không sử dụng quyền năng của mình sẽ tạo cho tổ chức, cơ quan QLNN thói quen, tâm lý tiêu cực, coi thường ý kiến công dân, coi thường cơ quan báo chí bởi họ thấy trả lời hay không trả lời cũng chẳng sao”, vị đại diện này cho biết thêm.

Kiến nghị đưa xử lý vi phạm vào Luật

Tại Hội thảo, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vấn đề làm sao để sự phản hồi của cơ quan QLNN đến với cơ quan báo chí được nhanh, kịp thời và hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hùng- Hàm vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản- Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Đây là vấn đề đòi hỏi phải có sự nỗ lực cả hai phía, cả cơ quan QLNN và cơ quan báo chí. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất là cần có những quy định cũng như chế tài xử lý nếu một trong hai bên có những vi phạm.

Về vấn đề này, ông Mai Phan Lợi cho rằng: Trước mắt cần có ngay quy định về chế tài thực thi trách nhiệm và đảm bảo thời hạn phản hồi các kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân cho tổ chức Đảng, cơ quan QLNN theo đúng quy định tại Điều 8 Luật Báo chí.

“Lâu dài cần sửa toàn diện Luật Báo chí, trong đó xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong tiếp cận thông tin, có cơ chế xử lý các hành vi cản trở tác nghiệp báo phí ngay từ khâu xây dựng pháp luật đến thực thi trên thực tế. Các quy chế liên quan đến nghĩa vụ giải trình, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mà Chính phủ ban hành cần được thực hiện một cách nghiêm túc, và tự giác”, ông Lợi đề xuất.

Theo ông Hùng, để thay đổi cơ bản tình trạng cơ quan QLNN né tránh báo chí, điều cơ bản nhất là thay đổi nhận thức của người đứng đầu tổ chức. Những người lãnh đạo tổ chức, cơ quan QLNN nên xem trách nhiệm trả lời phản ánh báo chí là một “cơ hội” hơn là một “nghĩa vụ”, bởi từ việc phản hồi này cơ quan QLNN sẽ phục vụ người dân được tốt hơn, các quyết định của mình dễ tìm được sự đồng thuận hơn.

“Thực tế cho thấy, nhiều khi một nhà lãnh đạo công bố một quyết tâm giải quyết một vấn đề bức xúc của người dân đã ngay lập tức có sự chia sẻ, đồng thuận từ phía dư luận, chưa cần phải thông báo ngay kết quả giải quyết như luật định”, ông Hùng nhấn mạnh.

PV

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.