Dữ liệu cũ
Thứ hai, 25/07/2016, 17:00 PM

"Bí ẩn" hòn đá tím khổng lồ bên sườn núi Karam

(NTD) - "Khi ấy có người giới thiệu mình mua một hòn thạch anh lớn màu tím hồng rất đẹp, giá khoảng vài tỷ; nhưng sau đó họ báo lại: Ông X, cán bộ lãnh đạo của tỉnh đến lấy chở lên Đà Lạt mất rồi!" - một nhà sưu tầm đá có tiếng tại TP.HCM nói với tôi.

Mang đá đi, không "để lại" đồng nào

  Ya Lương, một thanh niên trong thôn đồng ý lấy chiếc Wave Tàu "cởi truồng" (không có bửng và gác đờ bu) chở người khách phương xa là tôi đến nơi có mái nhà trắng nổi trên thảm xanh mờ. Rất may Tây Nguyên chưa vào mùa mưa, còn dùng được xe máy nên sau khi "nhoong nhoong" băng tắt qua những chân ruộng khô khốc, nứt nẻ chàng trai có vóc dáng nhỏ bé đưa tôi đến một đám rẫy rộng lớn dưới chân dãy Karam. Thì ra, cái thảm xanh nhìn từ nhà Ma May là vườn cà phê này và mái nhà trắng là căn chòi nhỏ lợp tôn phản chiếu nắng chiều kia... Căn chòi không có bóng người. "Nhưng mình biết chỗ lấy hòn đá đó." - Ya Lương bảo rồi dẫn tôi đi ngược theo khe núi dốc. Leo chừng 200 m thì thấy một phụ nữ đang ngồi chẻ những thanh tre. "Có phải Ma Di cháu Ma May?" - tôi hỏi. "Nó đấy!" - Ya Lương trả lời và nói gì đó với Ma Di bằng tiếng bản địa. Người phụ nữ Churu nhìn tôi rồi cũng cất tiếng "gì đó". "Cứ dẫn cái người Kinh lên đi, tao sẽ bảo chồng về." - Ya Lương phiên dịch.

da tim4

Chàng trai Ya Lương (phía trên, bìa trái) quá nhỏ bé so với nơi "hòn đá tím đã nằm".

 

da tim
Những mảnh thạch anh vợ chồng Ma Di - Ya Bắc còn lưu giữ làm kỷ niệm.

  Đi thêm chừng 100 m nữa, khi chân ríu lại thì cũng là lúc trước mặt "lù lù" một vách đất cỏ mọc chắn ngang. Tôi cố bước lên và nhận ra rằng, đó là một thân đập nước "mi ni". Chỉ xuống mặt hồ màu xanh đục, Ya Lương nói: "Cái hố hòn đá nằm đấy!". "Nó to thế ư?". "Đúng rồi! Lúc người ta lấy nó mình có lên xem...". Đang loanh quanh chụp ảnh "cái ao núi" rộng đến gần 20 m2 treo lưng chừng dốc thì một người đàn ông đầu đội mũ, chân đi ủng xám băng băng từ trên đỉnh xuống. Sau khi biết đó là Ya Bắc, tôi hỏi: "Ya Bắc à, hòn đá to đúng bằng cái hồ này sao?" Chỉ tay vào mép nước, chồng Ma Di gật gật, ý nói chu vi hồ chính là “cái khuôn đúc” lưu lại của hòn đá tím!

Theo Ya Bắc, những lời của bà cô vợ Ma May nói với tôi là đúng. Chỉ "xin đính chính": Sau khi lấy thành công hòn đá, không phải những người Kinh ấy trả ơn chủ rẫy bằng cách khoét núi, tạo hồ mà do vợ chồng anh muốn tận dụng cái hố "hòn đá đã nằm" nên thuê người đắp thêm chút đất thành nơi chứa nước. "Họ chỉ đưa ít triệu tiền đền cây hư chứ không cho đồng nào đâu. Lấy đá xong là đi luôn thôi!" - Ya Bắc bảo thế!

Ai lấy hòn đá tím?

da tim3
Những mảnh thạch anh hồng tím đang được bà con Chu Ru "hô" bán với giá 20.000 -30.000 đồng/kg.
da tim2
da tim2"Họ lấy đá đi, nhưng không cho lại đồng nào!" - Ya Bắc.

  Khi được hỏi "cấp trên" đến lấy hòn đá khổng lồ là ai thì gần như cả 2 vợ chồng già Ya Loan đều "đồng thanh": Ông X! Thế ông ấy làm gì, ở đâu? "Ông X là cán bộ trên tỉnh, hay nói trên ti vi!". Thấy tôi lắc đầu, vị cựu cán bộ mặt trận tỉnh tiếp: "Mình có hình của ông ấy mà" rồi chỉ tay vào nhà nói mấy câu bằng tiếng Churu với vợ. Loáng một cái, Ma May đã mang ra một xấp ảnh cỡ lớn được ép plastic (có tấm còn lồng trong khung kính). Đấy là những bức ảnh được chụp tại một đại hội toàn quốc ở Thủ đô Hà Nội. "Theo đó", vị cán bộ tên X bệ vệ trong bộ vest xanh xám, khi thì chụp chung với những đại biểu của tỉnh Lâm Đồng, lúc chỉ chụp riêng với già Ya Loan... Đúng là ông X rồi, nhưng sao dám khẳng định ông ta lấy đá? Thì, "mắt mình thấy ông ấy đi cái ô tô bé đậu ở đầu thôn R'lom rồi ngồi sau xe máy chạy vào xem đá..." - Ma May nhanh miệng. Còn Ya Loan: Có cán bộ trên tỉnh do không biết, cho "lính" xuống lập biên bản đòi thu giữ hòn đá quý. Đến khi biết chủ nhân thực sự thì hãi quá, vội bốc điện thoại alo xin lỗi, nhưng không được chấp nhận nên phải "đích thân" bay ra tận Thủ đô "khấu đầu" (khi đó ông X đang họp ở Hà Nội)... "Việc ông ấy lấy hòn đá ai cũng biết mà" - nhấp một ngụm trà, Ya Loan nói như "đúc kết"!

  Quả thật, từ Trưởng thôn Ya Thuyên cho đến đám thanh niên đang quây quần bên chiếu rượu hầu như ai cũng bảo ông X trên tỉnh là người lấy đá, chở đi. Và, không chỉ "cư dân bản địa", một cựu cán bộ tỉnh Lâm Đồng cũng xác nhận với tôi điều này rồi cho hay, để lấy được "viên" thạch anh quý, người ta phải mở đường lên đến tận nơi rồi đào một hầm lớn sát chân (đá), re (lùi) xe reo - một loại ô tô chuyên dụng, chở gỗ của ngành lâm nghiệp - vào, sao cho sàn xe thấp hơn chân đá một chút, sau đó mới dùng máy đẩy đá sang xe... "Đá được chở lên Đà Lạt cất giữ (trong một trang trại) nhưng đã bán, nghe nói 21 tỷ đồng!" - Vị cựu cán bộ nói. Vẫn chưa tin, tôi tìm đến ông H, giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Đà Lạt để nhờ ông điện cho người quen đang là cán bộ UBND huyện Đơn Dương (tôi không liên lạc vì sợ vị cán bộ này không dám nói thật) và được nghe những lời tương tự (chỉ khác là không biết hòn đá đã bán hay chưa)...

  Nhưng trả lời tôi, ông Nguyễn Bá Lương, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên Giám đốc Lâm trường Đơn Dương, lúc đầu "kiên định lập trường" (hòn thạch anh màu tím còn nguyên, chưa ai lấy, "nếu cần sẽ dẫn nhà báo đến tận nơi!") tuy nhiên, một lúc sau lại quả quyết, "thời điểm đó tôi đi học nên không rõ..."(!).

  Trên chuyến bay trở về tòa soạn, từ trên cao nhìn xuống dãy Karam xanh ngắt và dòng Danhim uốn lượn tai tôi bỗng văng vẳng lời trách của Ma May: "Cánh rừng ấy là của bà con dân tộc mình (nhận khoán quản lý, bảo vệ), nhưng họ lấy đá quý đi không cho lại ít tiền để làm đường giúp đỡ bà con..."!

Đất, đá, cát... là tài nguyên quốc gia. Do đó, muốn khai thác đều phải tuân thủ theo quy định. Đối với trường hợp hòn thạch anh hàng chục tấn ở núi Karam đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản (Điều 8 và Điều 16 ). Nên thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ!" - Luật sư VH (Hà Nội).
Để rộng đường dư luận, PV điện thoại cho ông X. Ban đầu, ông cầm máy và thừa nhận mình tên X. Tuy nhiên, sau khi nghe hỏi về hòn đá tím thì ông nói “nhầm số, nhầm số” rồi tắt máy. PV gọi lại ông cũng không nghe, thậm chí nhắn tin cũng không được phản hồi! (C.TUẤN)

Mạc Hồng Kỳ

NTD So 60 (246)_Page_27
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.