Báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống
(CL&CS) - Trong đời sống báo chí ở nước ta, báo chí giải pháp không phải khái niệm mới và trong 2 thập niên trở lại, đặc biệt là những năm gần đây, báo chí giải pháp được quan tâm và được nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên các nghiên cứu về báo chí truyền thông.
Đề cao vai trò thúc đẩy thay đổi nhận thức xã hội
Vừa qua, Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống” (Diễn đàn) do báo Nhà báo và Công luận tổ chức đã diễn ra tại Novaworld Phan Thiết, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Quang cảnh Diễn đàn
Diễn đàn năm nay có sự tham dự hơn 100 Tổng Biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí. Phiên thứ nhất với chủ đề Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng; Phiên thứ hai với chủ đề Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?
Tại Diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin &Truyền Thông, cho biết, "Nói đến báo chí giải pháp là đề cập đến cách tiếp cận các vấn đề trong xã hội từ góc nhìn giải pháp, thay vì chỉ đưa tin. Báo chí giải pháp tập trung xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, các phản ứng về vấn đề đó; giới thiệu, đề xuất giải pháp, tổ chức nghiên cứu sâu về các giải pháp, từ đó hướng mọi người có cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề đã, đang xảy ra, mang lại cho công chúng báo chí thông tin hữu ích, giúp thúc đẩy thay đổi nhận thức xã hội theo hướng tích cực hơn, tốt đẹp hơn".
Ông Phúc lấy dẫn chứng câu chuyện về những chiếc lá phong đỏ ở thị trấn vùng núi Kamikatsu thuộc Đảo Shikoku, Nhật Bản là một ví dụ sinh động về vai trò của báo chí giải pháp đối với đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Thị trấn có dân số 1500 người, 53% là người trên 65 tuổi, 26% trên 80 tuổi. Đàn ông hay uống rượu bia từ sáng đến tối.
Phụ nữ không việc làm, hay than phiền về chồng và nàng dâu. Một lãnh đạo trẻ mới đến thị trấn nhận thấy vấn đề: họ làm gì để sống, để duy trì cộng đồng của mình. Ông có đọc một bài viết trên báo về “những chiếc lá phong đỏ” dùng để trang trí món ăn. Bài viết đề cập đến cách tiếp cận mới về phong cách ẩm thực, đó là ăn bằng mắt- thể hiện cảm nhận về mùa; món ăn phải được kể bằng một câu chuyện, không chỉ là thực phẩm để ăn; trang trí thể hiện cảm nhận của đầu bếp, thể hiện bí quyết đặc biệt. Vì thế lá phong đỏ được thu mua như một nguyên liệu không thể thiếu để món ăn được nâng tầm trở thành nghệ thuật ẩm thực.
Ở nhiều nơi thì hiếm nhưng vùng núi Kamikatsu lại có rất nhiều cây phong đỏ, và ý tưởng bật ra: chúng ta có thể bán lá, chúng ta có rất nhiều lá ở trên núi. Chỉ thời gian ngắn sau đó doanh số bán lá phong đỏ của người dân Kamikatsu đạt gần 300 triệu yên. Đàn ông ở thị trấn thì ít uống rượu bia hơn, phụ nữ thì ít than phiền hơn, vì thế chi phí y tế giảm, họ sống rất hạnh phúc.
"Từ câu chuyện về những chiếc lá phong đỏ báo chí đã tạo ra một tri thức mới về phong cách ẩm thực, gián tiếp gợi mở giải pháp cho vấn đề xã hội dân sinh thông qua tiếp nhận nhạy bén của một nhà lãnh đạo trẻ. Từ tin tức đến hành động là một quá trình nhận thức. Nhưng giải pháp mà báo chí phản ánh có thể có tác động làm thay đổi nhận thức và thậm chí gây áp lực công luận để thay đổi một chính sách, thay đổi nhận thức để ra một quyết định hoặc một cách tiếp cận vấn đề. Tựu chung là thúc đẩy thay đổi nhận thức, mang lại thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội", ông Phúc nhấn mạnh.
Thách thức hiện hữu hơn cả là chất lượng nguồn nhân lực báo chí
Theo Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin &Truyền Thông, toàn ngành báo chí có hơn 40 nghìn người, trong đó chỉ có gần 50% trong số đó là những nhà báo được cấp thẻ. Tỷ lệ những nhà báo có chuyên môn chuyên sâu, chuyên ngành về lĩnh vực theo dõi còn ít, đa phần giải pháp trong bài viết dẫn ý kiến chuyên gia, luật sư, nhà khoa học, mà ít có chủ kiến xây dựng mang tính khoa học, nghiên cứu từ người viết bài.
Ở chiều ngược lại, công bằng mà nói chất lượng cộng tác viên, chuyên gia, nhà khoa học được báo chí lựa chọn nhiều trường hợp còn chưa tiêu biểu, chưa đúng người, giải pháp mà họ đưa ra ít cơ sở thực tiễn, còn nặng về lý thuyết. Báo chí cũng ít diễn đàn sôi nổi tranh luận, phản biện để đưa ra chính sách, giải pháp. Cũng có nguyên nhân từ văn hoá tranh luận, có nhiều đặc thù, và vì thế báo chí cần có lối đi của mình để tiếp thu được nhiều ý kiến và tri thức nhất từ người dân, giới nghiên cứu khoa học và các chuyên gia. Cùng với đó, báo chí cần chuyển đổi số nhanh chóng để có các nền tảng số thân thiện, nơi mà người dân có thể chia sẻ ý tưởng, tranh luận, phản biện.
Thúc đẩy thay đổi xã hội tốt đẹp hơn là mục tiêu của báo chí, đưa ra giải pháp là để hành động. Tương lai của báo chí như thế nào phụ thuộc vào hành động của báo chí ở hiện tại. Báo chí cần tăng tính phản biện xã hội, gắn với tiếng nói của người dân, đồng hành cùng nhà nước trong giải quyết các vướng mắc, việc khó.
Để thúc đẩy phát triển báo chí giải pháp, rất cần hình thành “mạng lưới báo chí giải pháp”, gồm nhà báo và cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân; rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để có quy định khi ban hành dự thảo chính sách, pháp luật thì hồ sơ thẩm định phải gửi kèm bài phản biện trên báo của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân về chính sách hoặc các quy định pháp luật dự kiến sẽ được ban hành.
Các tác phẩm báo chí có chất lượng cao thì cần rất nhiều nguồn lực
Tham luận tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hồng Nga - Tổng Biên tập báo Giao thông nhìn nhận, Diễn đàn Tổng biên tập 2024 với chủ đề 'Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?' Tuy nhiên, Diễn đàn đã được nghe rất nhiều về báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo. “Vậy, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo khác nhau như thế nào?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Tổng Biên tập báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhắc đến câu chuyện mới đây khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện sao kê các khoản ủng hộ cho đồng bào thiệt hại do bão số 3; Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng cần công khai về cả khoản chi nữa.
Từ câu chuyện đó, Tổng Biên tập báo Giao thông cho rằng, báo chí giải pháp không chỉ là đưa tin đơn thuần, cần có những kiến nghị, giải pháp cụ thể, phải làm gì để nguồn thu được chi thoả đáng và những người được chi nhận được đúng nhất nhu cầu mà họ cần. "Ý kiến, giải pháp được báo chí đưa ra lại tiếp tục cần được báo chí phản biện để cho ra các tác phẩm thực sự mang lại giải pháp cho xã hội và được thực thi một cách đúng đắn", bà Nga nói.
Tổng Biên tập báo Giao thông cũng cho biết, lâu nay, các tòa soạn không thể đăng bài báo nào mà không có giải pháp, song để làm được một bài báo có giải pháp hay còn gọi là các tác phẩm báo chí chất lượng cao thì cần rất nhiều nguồn lực. Thực tế cho thấy, tỷ lệ bài báo chất lượng cao trong các tin bài trong một ngày ở các toà soạn là rất ít.
Giải bài toán về nguồn thu cho báo Đảng
Với tham luận về “Giải bài toán về nguồn thu cho báo Đảng”, ông Lê Huy Toàn - Tổng Biên tập báo Bình Thuận trình bày: “Báo Bình Thuận là báo Đảng của một địa phương với chức năng là đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần, yêu cầu đặt ra hiện nay cho chúng tôi là vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị và truyền thông chính sách, song vừa phải có nguồn thu... Do vậy việc đổi mới, sáng tạo để giải quyết từng bước những khó khăn đã và đang được một số cơ quan báo chí áp dụng”.
Theo ông Lê Huy Toàn, đối với Báo Bình Thuận thì mọi hoạt động của các số báo đều tập trung xoay quanh trục truyền thông chính sách
Chính sách của Trung ương được cụ thể hóa tại tỉnh như thế nào, thuận lợi, vướng mắc khi đi vào thực tế ra sao; những nảy sinh từ cơ sở thế nào. Câu hỏi đặt ra là tại sao ở cơ quan, đơn vị này làm tốt nhưng ở nơi khác lại làm chưa tới… Một câu hỏi thôi cũng là nguồn tư liệu bất tận trên tất cả các lĩnh vực mà báo chí khai thác không thể hết. Hơn nhau ở chỗ người viết chuyển hóa vấn đề, diễn đạt câu chữ sao cho dễ hiểu, hấp dẫn, thay vì copy báo cáo lên mặt báo.
Đáng chú ý, theo ông Lê Huy Toàn, trong phát huy vai trò truyền thông chính sách, Báo Bình Thuận thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt công chúng hiểu đúng nghĩa trong nhiều vụ việc nóng xảy ra tại tỉnh. Khi sự thật được lan rộng, những thông tin sai, đơm đặt trên mạng sau đó tự “biến mất”. Qua những vụ việc như thế, Báo Bình Thuận nâng thêm vị thế cũng như tầm quan trọng của báo địa phương. Cũng từ đó, việc tăng nguồn thu cho báo được thuận lợi hơn, mở thêm được nhiều gói tuyên truyền không chỉ trong lĩnh vực nhà nước mà còn ở lĩnh vực doanh nghiệp…
Thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội
Còn theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập báo Thanh Niên, có rất nhiều con đường để báo chí giải pháp hình thành và tạo ra lối đi riêng phù hợp với từng cơ quan báo chí. "Tại Báo Thanh Niên, chúng tôi quan niệm báo chí giải pháp cần được đặt trên một nền tảng vững chắc tạo ra từ những tập hợp dữ liệu khách quan, được phân tích, lý giải bằng phương pháp tư duy khoa học, và cuối cùng được “đóng gói” bằng kỹ năng đa phương tiện của người làm báo hiện đại".
Đi vào cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Toàn cho biết, thời gian qua, một số bài báo dữ liệu đã xuất bản trên Thanh Niên đều khai thác dữ liệu từ các nguồn khác nhau được công bố dưới dạng báo cáo công khai trên website, các báo cáo, nghiên cứu, thống kê được công bố... Một số nguồn dữ liệu được thu thập thông qua đề nghị cung cấp thông tin.
Theo Tổng Biên tập báo Thanh Niên, điều quan trọng trước hết là tư duy xác định đề tài báo chí dữ liệu, khi nào thì thực hiện bài dữ liệu? Các bước tiếp theo là đặt giả thuyết, đặt câu hỏi để đi tìm dữ liệu trả lời.
Từ phần lý thuyết này, phóng viên Thanh Niên sẽ thực hiện tiếp các công đoạn quan trọng như xây dựng cấu trúc câu chuyện, tìm, tổng hợp, xử lý dữ liệu để tìm ra những câu trả lời bằng dữ liệu cho các câu hỏi đặt ra. Những câu hỏi không thể trả lời bằng dữ liệu có thể tìm câu trả lời qua phỏng vấn hoặc các ý kiến người liên quan…
Báo chí dữ liệu cho phép nhà báo khám phá ra những điều bất ngờ, thú vị, những cái mới, mối liên kết và giúp kiểm chứng, đối chiếu các giả thuyết đặt ra. Khi người viết hứng thú với những điều mình khám phá cũng sẽ có khả năng tạo ra câu chuyện hấp dẫn bạn đọc. Dữ liệu cũng là công cụ đắc lực giúp nhà báo đặt ra những câu hỏi phỏng vấn sắc sảo, đúng trọng tâm đồng thời kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như các câu trả lời từ bên liên quan, các ý kiến, góc nhìn từ chuyên gia…
"Cả báo chí dữ liệu và báo chí giải pháp đều hướng đến mục tiêu chung là cung cấp thông tin chính xác, khách quan và có giá trị cho công chúng, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội. Kết hợp báo chí dữ liệu và giải pháp sẽ giúp nhà báo cung cấp cho bạn đọc các bằng chứng cụ thể, số liệu thống kê và phân tích chi tiết, trực quan, giúp củng cố tính thuyết phục cho các giải pháp được đề xuất trong báo chí giải pháp. Điều này cũng làm tăng tính thuyết phục và tin cậy của các giải pháp, thu hút công chúng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề, giải pháp đề xuất, tính khả thi. Từ đó, có được sự quan tâm từ các nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý liên quan…", ông Toàn nêu rõ.
Tính phản biện, khách quan và cân bằng, tạo nên báo chí tử tế
Tham luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hoài, Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, cho biết, trong những năm qua, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển không ngừng về số lượng và đặc biệt là về chất lượng. Điều thể hiện rõ nhất là báo chí nước nhà cũng đang dần tiệm cận với báo chí ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là về các hình thức, thể loại báo chí.
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay
Để tăng cường xu hướng báo chí giải pháp (báo chí kiến tạo) tôi cho rằng mỗi tòa soạn cần phải quyết liệt trong khâu đào tạo, huấn luyên cho đội ngũ phóng viên, nhà báo của mình. Mỗi người viết không đơn thuần chỉ là một nhà báo, một phóng viên đưa tin, họ phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó, có năng lực phân tích, dự báo và đưa ra những kiến giải hợp lý để xử lý vấn đề đó.
"Nhà báo phải nhất thiết có kiến thức, có sự hiểu biết nhất định ở mức cao về chính trị, pháp lý, văn hóa và đặc biệt nắm vững tri thức chuyên ngành mà mình viết, kỹ năng nghiệp vụ, trên cơ sở cái tâm trong sáng… của người cầm bút, nhà báo cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà báo cũng phải biết tận dụng cả kiến thức của những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để làm phong phú thêm kiến thức, phong phú thêm thông tin cho các bài viết về kiến tạo giải pháp của mình, bên cạnh những yếu tố bắt buộc của một bài báo căn bản như thông tin đa chiều, vì lợi ích chung, ông Hoài cho biết.
Báo chí kiến tạo không chỉ đưa ra giải pháp, báo chí kiến tạo cần phải có tính phản biện, khách quan và cân bằng; đề cập những vấn đề quan trọng mà xã hội đang phải đối mặt, không phải những vấn đề vụn vặt; không thiên vị; luôn điềm đạm, không bị lấn át bởi những bê bối và sự phẫn nộ; mang tính cầu nối thay vì chia rẽ; dựa trên sự thật; thúc đẩy tranh luận có tính thông tin cao về những giải pháp xử lý các vấn đề đã được ghi nhận rộng rãi.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Báo Nông thôn Ngày nay tự hào là một trong số ít những tờ báo hàng đầu tuyên truyền mạnh mẽ trong lĩnh vực này, bao gồm cả những loạt bài xây dựng - phản biện chính sách dành cho lĩnh vực tam nông, những loạt bài điều tra nhưng cuối cùng là nhằm đưa ra giải pháp để giải quyết những vướng mắc gặp phải trong những chính sách dành cho tam nông.
Theo Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay, có thể đưa ra những ví dụ gần nhất như loạt bài "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp” của nhóm tác giả Báo Nông thôn Ngày nay, đoạt giải Nhất tại giải "Giải báo chí toàn quốc viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023", nhóm tác giả không chỉ phản ánh về những vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi số ở nông nghiệp nước ta, tại các mô hình, dự án chuyển đổi số nông nghiệp mà sau đó, nhóm tác giả cùng với tòa soạn còn tổ chức loạt bài lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, các vị lãnh đạo các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp được nhanh hơn, nhưng vẫn đảm bảo sự hiệu quả, chính xác và hợp lý khi đưa vào thực tế.
Hay đối với hai loạt bài đạt giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2023 của Báo Nông thôn Ngày nay gồm có loạt 3 bài "Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh" và loạt 3 bài "Công viên địa chất toàn cầu bị "xẻ thịt", các nhóm tác giả và tòa soạn cũng không đơn thuần chỉ thực hiện các bài viết dấn thân, điều tra thực trạng của những hiện tượng tiêu cực này mà còn thực hiện hàng loạt các bài phỏng vấn từ cơ quan chức năng, chuyên gia, bạn đọc… nhằm đề xuất những giải pháp hiệu quả, khả thi để chấm dứt các hiện trạng trên.
Báo chí giải pháp chính là báo chí tử tế, vì nó giúp cho xã hội, cho cộng đồng ngày một tốt đẹp lên. Báo chí giải pháp vừa là cách thức, vừa là mục tiêu cần đạt đến với sứ mệnh cải tạo xã hội. Và chỉ nhờ thế, báo chí truyền thống mới có thể phát triển bền vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội, với công nghệ trí tuệ nhân tạo trong báo chí.
Cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, một trong những vấn đề được nêu tại Diễn đàn chính là báo chí phải mang lại giải pháp cho xã hội, qua đó nhìn thấy giải pháp cho mình. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, báo chí cần hoàn toàn thay đổi cách tiếp cận để biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội. Ví dụ: Con người phải đi tìm những môi trường hay, kể cả môi trường đang tốt nhưng kiếm môi trường tốt hơn để thay đổi.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đặt vấn đề: Làm sao phải làm báo chí giải pháp khi những mâu thuẫn không nhỏ trong xã hội, bao gồm những mâu thuẫn ở cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân lại nghĩ chính báo chí là vấn đề chứ không phải họ? Và khi họ tìm giải pháp cho vấn đề của chính họ, ít khi họ nói đến báo chí.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, bản thân cơ quan Nhà nước cũng đang tìm giải pháp để giải quyết tốt vấn đề truyền thông chính sách nhưng có vẻ như họ ít tìm đến báo chí để làm việc ấy. Việc tương tác, hai bên cùng có lợi rất ít. "Ví dụ như truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Họ có rất nhiều hình thức, cách tiếp cận đến với người dân như thông qua các cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin nguồn, bằng công nghệ để thông tin đến với người dân nhanh nhất", ông Lâm nêu ví dụ.
Để phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. "Chúng ta cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác", ông Lâm nêu rõ và cho rằng tầm nhìn của các cơ quan báo chí cũng rất quan trọng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, các cơ quan báo chí cần nhìn thấy những vấn đề của mình để phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại. Bởi nền báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng và nếu như có một vấn đề gì đó để cần hiệu triệu, định hướng xã hội, cần tập hợp lực lượng để làm những việc lớn, việc tốt cho đất nước thì lúc đó hệ thống chính quyền, người dân luôn tìm đến báo chí và tìm thấy mình trong báo chí.
Để có thể thúc đẩy xu hướng báo chí giải pháp, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Tham luận tại Diễn đàn, ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam, cho biết, để có thể thúc đẩy xu hướng báo chí giải pháp, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước nhìn từ những phương diện sau:
Thứ nhất, cần phải thống nhất quan điểm của các cơ quan hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách đối với báo chí, trong đó xác định báo chí không chỉ như một kênh phản ánh thông tin, mà báo chí cần phải được tham gia vào quy trình xây dựng và thực thi chính sách. Là một kênh tiếp cận và truyền tải thông tin, là cầu nối giữa chính sách với cuộc sống và ngược lại, báo chí cần có một vị thế tốt hơn để tham gia vào việc đề xuất giải pháp trên cơ sở tôn chỉ mục đích và đặc thù của từng cơ quan báo chí.
Thứ hai, báo chí giải pháp sẽ hiệu quả hơn nếu các cơ quan báo chí có cơ hội mở rộng các loại hình sản phẩm và các kênh phân phối. Khác với báo chí phản ánh, báo chí giải pháp mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi đầu tư chiều sâu và ít được các toà soạn khuyến khích nếu xét theo tiêu chí view thông thường. Vì vậy để triển khai thể loại báo chí này, ngoài nỗ lực của các cơ quan báo chí, Nhà nước cần hỗ trợ theo hình thức đặt hàng với đơn giá cao hơn mức hiện hành. Nhà nước cũng có thể mở rộng đặt hàng các cơ quan báo chí thực hiện đo lường ý kiến của người dân đối với chính sách, thảo luận cách thức giải quyết không chỉ bằng các sản phẩm báo chí truyền thống mà còn bằng các hình thức khác như nghiên cứu, hội thảo, diễn đàn, điều tra dư luận…
Năm 2025 sẽ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là cột mốc đặc biệt quan trọng với báo chí Việt Nam, thể hiện sự đồng hành của báo chí với cách mạng Việt Nam trải qua nhiều biến thiên của lịch sử. Báo chí Cách mạng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cách mạng giao phó. Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo... cần được coi là những nhiệm vụ mới của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong bối cảnh đất nước đã bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, báo chí đang đứng trước rất nhiều thay đổi, sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra thần tốc dẫn đến những kết cục mà chỉ trong vòng 5 năm thậm chí là 3 năm không thể hình dung được. Giờ đây, trí tuệ nhân tạo không chỉ đe doạ đến vị trí việc làm mà còn đe doạ tất cả các vị trí trung gian khác.
Ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu
Thứ hai là sự thay đổi của người dùng. Theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, người dùng không nhất thiết phải tìm đến báo chí mới có được thông tin. Thực tế cho thấy, công chúng trẻ, thế hệ GenZ giờ đây không đọc báo in, không xem truyền hình, không nghe phát thanh nhưng họ vẫn biết hết tất cả thông tin.
Nhà báo Đặng Thị Kim Hiên, Tổng biên tập Tạp chí Chất lượng và cuộc sống cùng với các Tổng biên tập cơ quan báo chí chung tay thực hiện hành động ý nghĩa hướng về đồng bào vùng lũ
Sự thay đổi đang diễn ra chóng mặt, trong đó chính các doanh nghiệp có thể cũng không cần đến báo chí nữa. Họ cũng có kênh của họ, có cách riêng của họ. Sự thống trị với tư cách là “người giữ cửa” của báo chi thực sự đang bị đe doạ. “Trước đây, có hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện, chúng ta chọn lọc đưa câu chuyện nào thì công chúng biết đến nội dung đó, nhưng bây giờ họ còn biết nhiều hơn những gì báo chí đưa tin”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cũng có một thực tế là khi công chúng bị choáng ngợp trước cơn bão thông tin thì họ lại cần đến các cơ quan báo chí. Giữa những tin tức thật giả lẫn lộn, người dùng không đủ sức để xử lý, họ cần cơ quan báo chí để chọn lọc cho họ.
Các đại biểu cùng chụp hình lưu niệm
“Đi xa rồi lại trở về, người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống định hướng. Lúc này, các quan báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống. Làm thế nào để giữ vị trị ngọn hải đăng như thế các cơ quan báo chí phải vượt qua rất nhiều những trở ngại ở hiện tại và tương lai”, ông Lê Quốc Minh nhận định.
Thứ làm báo chí khác biệt là những thứ sâu sắc. Còn nếu tiếp tục chạy đua về nhanh, về nhiều thì không thể thắng. Các cơ quan báo chí, không phải tất cả phải dành nguồn lực cho báo chí chuyên sâu. Tuy nhiên, hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp, tạo thế cân bằng, đa chiều trong tin tức để thấy được sự khác biệt của báo chí, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết.
Tại Diễn đàn, ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng khen ngợi, động viên Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận đã tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập qua hằng năm và đây là lần thứ 6 ông được tham dự. Nhiều nhiều vấn đề nóng bỏng trong lĩnh vực báo chí đã được mổ xẻ giúp cơ quan quản lý báo chí, cơ quan Nhà nước nhìn nhận, rà soát để sửa đổi chính sách, giúp báo chí phát triển.
Xuân Hợp
- ▪Người làm báo chí giải pháp phải tích cực tự đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các thành tựu công nghệ mới
- ▪Báo chí không chỉ cung cấp thông tin khách quan mà còn tạo ra động lực thúc đẩy giải quyết các vấn đề xã hội
- ▪Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024: Những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống
- ▪Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024: “Báo chí giải pháp – hướng đi cho báo chí truyền thống'
Bình luận
Nổi bật
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
sự kiện🞄Thứ ba, 03/12/2024, 15:07
(CL&CS) - Ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tiếp tục tạo dựng hệ sinh thái toàn diện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
sự kiện🞄Thứ ba, 03/12/2024, 14:24
(CL&CS) - Ngày 3/12, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành logistics Việt Nam
sự kiện🞄Thứ ba, 03/12/2024, 13:55
(CL&CS) - Ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024, với chủ đề "Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.