Thứ năm, 19/02/2015, 15:00 PM

Bao bì thực phẩm: An toàn tới đâu?

(NTD) - Bao bì thực phẩm (BBTP) là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (TP), có khả năng gây ra phản ứng, thôi nhiễm vào TP, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Dù đạt chất lượng nhưng sử dụng bao bì không đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng an toàn của TP.

Đa dạng chủng loại

Hiện trên thị trường có rất nhiều chủng loại BBTP, trong đó, các bà nội trợ thường xuyên sử dụng loại màng nhựa bọc thức ăn, bao bì đựng các loại TP để cất giữ trong tủ lạnh, giấy bạc dùng để gói, nướng TP… Chỉ tính riêng trong các hệ thống siêu thị đã có hàng chục nhãn hàng BBTP từ các cơ sở sản xuất trong nước đến hàng ngoại nhập xuất xứ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tùy chủng loại, trọng lượng, kích cỡ, giá các loại BBTP dao động 21.000-138.000đ/hộp (hoặc cuộn). Hầu hết các sản phẩm (SP) đều có nhãn ghi rất chung chung về thành phần, chủ yếu là PE hoặc PVC mà không ghi rõ hàm lượng bao nhiêu. 

10--say  Rất nhiều thực phẩm hiện nay được đựng trong những bao bì không an toàn

Thông tin hướng dẫn sử dụng cũng không cụ thể sử dụng cho mục đích gì, mà chủ yếu nhấn mạnh vào công dụng “bảo quản thực phẩm tươi ngon, tránh nhiễm khuẩn, đảm bảo vệ sinh” hay “dùng nướng thịt, cá…”. Một số SP ngoài khuyến cáo “không dùng trong lò vi sóng” còn có thêm thông tin về khả năng chịu nhiệt độ (từ -60o đến 130oC, có SP chỉ chịu được nhiệt từ -30o đến 110oC). Tuy vậy, rất nhiều SP không thông tin rõ về giới hạn nhiệt độ cho phép. Đáng nói, với phần lớn BBTP nhập khẩu, trên nhãn phụ tiếng Việt không hề có thông tin hướng dẫn cách sử dụng.

Với BBTP bày bán tại các chợ lẻ, rất ít SP có tên tuổi, nguồn gốc, phần lớn là hàng không nhãn mác, không thông tin về SP và được bán theo ký. Ngoài bịch ni lông đủ màu sắc giá chỉ 10.000-12.000đ/gram dùng để đựng hàng hóa kể cả đựng TP, còn có đủ các loại bao bì nhựa, giấy bạc… dùng để bảo quản TP, nướng nấu trong lò vi ba… Chị T. chuyên bán sỉ các loại bao bì tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) cho biết, mỗi ngày sạp của chị phân phối cả trăm ký BBTP cho các mối chợ lẻ trong thành phố và mối tỉnh. Ngoài lấy hàng của các cơ sở trong nước, chị còn lấy hàng nhập từ nước ngoài. Hỏi xuất xứ hàng nhập, chị T. trả lời: “Họ nói hàng Thái Lan, nhưng giá lại rẻ hơn cả hàng trong nước nên tôi cũng không rõ”.

An toàn: khó kiểm soát!

Hiện Bộ Y tế đã ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ bằng nhựa tổng hợp tiếp xúc trực tiếp với TP” quy định rõ về các yêu cầu kỹ thuật, thành phần, hàm lượng kim loại nặng, phụ gia… được phép sử dụng. Bộ Y tế cũng quy định rõ: “Bao bì chứa TP phải bảo đảm chắc chắn, an toàn, không thôi nhiễm các chất độc hại, không ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn TP, không bị ô nhiễm các tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”. Các chất phụ gia dùng để sản xuất BBTP cũng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn TP đối với TP được chứa đựng trong đó. Thế nhưng thực tế, BBTP bày bán trên thị trường hiện nay “vàng thau lẫn lộn”.

ThS Hoàng Xuân Tùng - giảng viên chuyên ngành Công nghệ BBTP (Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn) cho biết, trong thành phần bao bì có các loại chất chống oxy hóa, chất làm cứng, phụ gia, màu... nhưng trong quá trình sản xuất, người ta còn độn bột đá để hạ giá thành SP. Những chất này, nếu vượt quá hàm lượng cho phép sẽ gây nguy hại cho người sử dụng TP chứa trong bao bì. Chưa kể, BBTP trước khi đưa ra thị trường phải qua khâu diệt khuẩn, nhưng không ít cơ sở bỏ qua khâu này.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn chất lượng BBTP hiện nay còn lỏng lẻo. Theo quy định, quản lý về an toàn TP thuộc trách nhiệm của ba bộ: Y tế, Công thương và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, nhưng việc phối hợp kiểm soát hiện nay chưa đồng bộ. Hiện chỉ có Bộ Y tế đưa ra quy chuẩn cho mặt hàng BBTP.

Về nguyên tắc, BBTP phải gồm ba lớp: lớp ngoài chống trầy xước; lớp giữa chịu lực, ngăn sự trao đổi chất từ bên ngoài vào TP và lớp trong tiếp xúc trực tiếp với TP phải là lớp trung tính, không gây ảnh hưởng đến TP. Nhưng theo các chuyên gia ngành BBTP, các loại bao bì bán ngoài thị trường hiện nay chỉ đơn thuần là bao bì chứ không phải BBTP.

Mặt khác, dù bao bì đạt chuẩn mà sử dụng không đúng cách thì cũng có thể nguy hại đến sức khỏe. ThS Tùng khuyến cáo, chỉ nên dùng giấy bạc để bảo quản TP chứ không nên lạm dụng dùng để nướng TP. Vì ở nhiệt độ cao trên 150oC thành phần trong giấy bạc có thể thôi nhiễm vào TP, không tốt cho sức khỏe. Tuyệt đối không dùng giấy bạc trong lò vi sóng vì sẽ gây nổ điện, rất nguy hiểm. Không sử dụng BBTP trong môi trường quá lạnh sẽ làm phá vỡ cấu trúc bề mặt bao bì, ảnh hưởng đến TP.

Theo BS Trần Văn Ký - Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam (Văn phòng phía Nam), người tiêu dùng chỉ nên chọn đúng bao bì được chỉ định dùng cho TP và đã được cơ quan quản lý xác nhận về an toàn TP; nên sử dụng bao bì đúng mục đích, đúng theo hướng dẫn. Tránh mua những bao bì có nguồn gốc, thông tin không rõ ràng vì nguy cơ nhiễm các kim loại nặng độc hại là rất cao.

Mọi thông tin thêm, độc giả tham khảo tại mục Cảnh báo 

                                                                                                                                  Liên Bảo (TH 

 

Bình luận

Nổi bật

Quy chuẩn kỹ thuật đối với thịt gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm

Quy chuẩn kỹ thuật đối với thịt gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 12:20

(CL&CS) - Armenia thông báo Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật đối với thịt gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm.

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:06

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Xử lý chất thải chăn nuôi sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc tiêu hủy, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường cộng đồng…