Văn hóa và Đời sống
Thứ hai, 26/12/2022, 07:19 AM

Bánh chưng, bánh giầy - Linh hồn tết Việt

(CL&CS) - Bánh chưng, bánh giầy là những món ăn không chỉ ngon mà còn lại mang rất nhiều ý nghĩa đậm chất dân tộc. Tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước.

Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt, dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc, là cảm giác háo hức thời thơ bé ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong những ngày đầu năm mới.

Bánh chưng mang nhiều ý nghĩa đậm chất dân tộc.

Bánh chưng mang nhiều ý nghĩa đậm chất dân tộc.

Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Bánh chưng bánh giầy là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày trọng đại, đặc biệt là ngày tết. Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh giầy. Truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giày” xuất hiện từ đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua nhất sẽ được nhà vua nhường ngôi. Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Riêng Lang Liêu là người con nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang, chàng không tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, mà đã dùng ngay những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho trời tròn và đất vuông (còn được gọi là bánh chưng và bánh giày) để làm lễ vật dâng vua cha. Lễ vật của Lang Liêu hợp với ý vua Hùng nhất và nhà vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu… Từ đó bánh Chưng, bánh giày đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng, để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha, ông.

Từ đó, cứ đến Tết nguyên đán hay các đám cưới, thờ cúng, lễ hội... dân gian bắt chước làm bánh chưng, bánh giầy sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất.

Những nguyên liệu chính để làm bánh chưng

Những nguyên liệu chính để làm bánh chưng

Chính vì vậy bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng xanh còn gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con người: nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín… là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an vui xóm làng.

Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…

Bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, "chín rền" thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Khi vớt ra, bánh có màu sắc xanh dịu nhẹ của lá dong, có độ dẻo ngọt của nếp, vị thơm của đậu xanh, béo ngậy của thịt lợn, tất cả hòa quyện thành một món ăn vừa thơm ngon, vừa độc đáo. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với nước mắm thật ngon, thêm củ hành muối, củ cải dầm hay dưa góp sẽ càng đậm đà, khó quên.

Tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ,chính vì thế mà phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên cha mẹ cũng từ đây mà có. Đi cùng với bánh chưng bánh giày,trong ngày tết bày mâm ngũ quả thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.

Trong xã hội hiện đại nhiều phong tục truyền thống dần bị mai một, nhưng một tập quán xa xưa vẫn được người Việt lưu giữ tới nay và mãi về sau đó là tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết. Một nét đẹp truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, khi mọi người cùng nhau bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ.

Chính vì ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa văn hóa và cả ý nghĩa tinh thần đó mà tục gói bánh chưng, bánh giày ngày Tết đã trở thành tục lệ cổ truyền. Cứ vào dịp 27, 28 Tết hàng năm, các gia đình đều tất bật chuẩn bị cho phần gói bánh chưng, bánh giày. Lúc này, ông bà cha mẹ anh em quây quần bên nhau, mỗi người phụ một tay để làm nên những cái bánh thật đẹp, thật ngon dâng lên ông bà tổ tiên trong ngày đoàn tụ sum vầy.

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

Du lịch xanh với hành trình cụ thể hóa mục tiêu Net Zero

Du lịch xanh với hành trình cụ thể hóa mục tiêu Net Zero

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 22:17

(CL&CS) - Thực hiện Net Zero - đạt phát thải ròng bằng 0 - giảm khí nhà kính không chỉ là hành động thiết thực, mang lại những kết quả tích cực cho môi trường sống mà còn giúp doanh nghiệp du lịch quảng bá sản phẩm của mình hiệu quả hơn.

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh di sản tại khu phố cổ

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh di sản tại khu phố cổ

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57

(CL&CS) - Nhân dịp kỷ niệm 20 năm khu Phố cổ Hà Nội đón nhận Bằng Di tích lịch sử Quốc gia, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức 20 hoạt động trưng bày, triển lãm và biểu diễn nghệ thuật đặc sắc để tôn vinh những giá trị di sản của mảnh đất Thăng Long xưa.

“Ngày Trong Xanh” – Hành trình lan tỏa tình yêu môi trường qua âm nhạc

“Ngày Trong Xanh” – Hành trình lan tỏa tình yêu môi trường qua âm nhạc

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:56

(CL&CS) - Ngay sau khi ra mắt tối 20/11, MV Ngày Trong Xanh - sản phẩm kết hợp của Quang Hùng MasterD và Xanh SM đã gây sốt với hàng trăm nghìn lượt xem. Chỉ sau chưa đầy 16 tiếng, MV đã lọt top #7 danh mục âm nhạc Thịnh hành trên YouTube.