Thứ tư, 30/01/2019, 18:42 PM

Bâng khuâng thổ cẩm Tà Lài

(NTD) - Tà Lài là một xã vùng sâu, giáp bìa rừng Nam Cát Tiên, thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Tết năm nay, đồng bào dân tộc Châu Mạ, Stiêng ở Tà Lài vui hơn vì sắp có chiếc cầu lớn “nối liền với thế giới bên ngoài”, đường nội bộ trong xã cũng được đổ bê tông sạch đẹp hơn.

Không gian cồng chiêng, sắc màu thổ cẩm

Ấp 4, xã Tà Lài là vùng đồng bào Châu Mạ sống lâu đời. Từ xưa lắm rồi, nơi đây đã nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống.

Ngày Tết, tản bộ tới cuối làng là ranh giới Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, chúng tôi bỗng nghe tiếng cồng chiêng, tiếng sáo, tiếng tù và khoan nhặt từng lúc. Âm thanh cồng chiêng ở không gian này nghe thôi thúc và cuốn hút lạ thường. Nó dội vào núi rừng Nam Cát Tiên và vọng ra hòa quyện với tiếng chim hót, vượn kêu, tiếng suối róc rách, chao qua mặt hồ phẳng lặng rồi mới đến tai người nghe.

Trong căn nhà sàn cột gỗ, mái lá, sàn tre tinh tươm của chị Ká Rỉn luôn có ba bốn bộ khung dệt thổ cẩm cá nhân để cho nhóm thợ dệt của chị cùng làm. Một góc là các sản phẩm đa dạng được trưng bày để ai đến có thể mua về làm quà lưu niệm. Hôm nay có chị Ká Điều và con gái Ká Ngoan cùng tới dệt. Mọi người nói chuyện bằng tiếng Châu Mạ nghe rôm rả, tâm đầu ý hợp.

Khung dệt với sản phẩm còn làm dở dang được mang ra; đèn màu vàng và âm thanh lễ hội cồng chiêng thu sẵn trong máy được bật lên, tạo cảm giác rộn ràng, hứng khởi trong khi dệt. “Như vậy mới có sáng tạo và không mệt mỏi khi dệt” - Ká Rỉn nói.

Hai mẹ con Ká Điều, Ká Ngoan ngồi xuống sàn, khoan thai thẳng hai chân để kéo căng chiếc khung dệt, lưng thẳng, tay nhẹ nhàng đan từng sợi thổ cẩm trên khung. Hoa văn đa dạng nhưng đều là những hình ảnh gần gũi như: Nhà sàn, con gà, con trâu, cối giã gạo, cái già gạt (gùi), cây nêu, người uống rượu cần, con voi, con bướm… Màu sắc đều có ý nghĩa tượng trưng. Chẳng hạn, màu vàng tượng trưng cho mùa lúa; đen là đất; xám là nước; màu trắng là ánh sáng mặt trời; màu đỏ là máu; xanh lá cây tượng trưng cho rừng…

Ká Rỉn cho biết: “Trong làng có nhiều phụ nữ biết dệt thổ cẩm, nhưng lành nghề để được gọi là nghệ nhân như mình hoặc chị Ká Điều thì chỉ được vài chục người. Khác nhau giữa nghệ nhân và thợ là nghệ nhân có thể sáng tạo ra nhiều loại hoa văn và thực hiện được những hoa văn tinh tế, phức tạp, mang tầm nghệ thuật”.

38
Dệt thổ cẩm ở Tà Lài (Từ trái qua: Ká Rỉn, Ká Ngoan và Ká Điều).

Đau đáu giữ truyền thống

Tiếp chúng tôi tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm và đồ lưu niệm của người Châu Mạ, cô gái xinh xắn Ká Hương tỏ ra khá thân thiện. Cô biết nói cả tiếng Châu Mạ, tiếng Kinh và tiếng Anh.

Ká Hương tỏ ra am hiểu thật sâu: “Trước đây, không gian của làng là đường đất, đa số nhà sàn tre nứa chứ không phải nhà gạch, mái tôn, đường bê tông như hiện nay. Nhưng chính trong sự khó khăn đó mới đúng với bản sắc làng Châu Mạ của em. Trẻ em lớn lên thì con trai được dạy đánh cồng chiêng, thổi tù và, còn con gái học làm thổ cẩm, làm rượu cần…”.

Ká Hương cho biết, sợi thổ cẩm xưa dùng vỏ một số loại cây rừng, sau này người ta dùng sợi bông, có màu trắng. Để có màu sắc khác nhau thì dùng chất liệu của các loại cây khác nhau. Chẳng hạn để có màu đỏ đậm thì dùng vỏ cây Clài (tiếng người Châu Mạ); màu đỏ tươi thì dùng cây Ng.hồ; vàng dùng Rmit (nghệ); đen dùng cây Nđêr… Bí quyết để cho các màu không nhanh phai là nhuộm xong thì dùng nước mủ của trái chuối xanh, nấu lên và quét lại một lớp lần cuối trên các sợi vải trước khi dệt.

Thật bất ngờ, Ká Hương chính là cháu ngoại của cụ bà Ká Bào, 89 tuổi, nghệ nhân duy nhất của Tà Lài được công nhận nghệ nhân cấp quốc gia về dệt thổ cẩm. Chị Ká Rỉn mà chúng tôi gặp trước đó chính là mẹ của Ká Hương. Chúng tôi quay lại, nghệ nhân dệt thổ cẩm cấp quốc gia vừa về đến nhà. Cụ lấy khung dệt ra và đều tay dệt từng sợi thổ cẩm cho chúng tôi xem. Cụ bảo: “Tao đã dệt thổ cẩm được có 80 năm…”.

40
Nhà sàn được nhiều người quay phim, chụp hình nhất do Ká Hương tự bỏ kinh phí xây dựng được dùng làm nơi dệt thổ cẩm cho bà ngoại Ká Bào, mẹ Ká Rỉn và các nghệ nhân khác.

Bâng khuâng với thổ cẩm

“Thổ cẩm Tà Lài đã đi khắp Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều nơi mua thổ cẩm Tà Lài về dùng cho lễ hội, cho năm mới nhưng đi đâu họ cũng giới thiệu do làng nghề truyền thống của họ làm. Nhưng người Châu Mạ vẫn không lấy đó làm buồn” - Ká Điều nói.

Đêm đó, chúng tôi nghỉ lại tại một nhà nghỉ cộng đồng ở Tà Lài. Lửa trại được đốt lên, vài nghệ nhân đánh cồng chiêng được mời đến. Họ mang theo mấy con gà rẫy đã làm thịt đến nướng và hai bình rượu cần để thết đãi chúng tôi. Đến với đồng bào người Châu Mạ bằng tấm lòng chân thành, được thưởng thức không gian cồng chiêng vang vọng núi rừng và sắc màu thổ cẩm tinh tế, với bếp lửa bập bùng và rượu cần chếnh choáng mới thấy sự bon chen quá mức thật là lãng phí cuộc đời…

Đã đi khá xa Tà Lài rồi mà tiếng cồng chiêng vẫn văng vẳng bên tai như muốn níu giữ chân người, màu thổ cẩm tinh khôi vẫn in đậm, bâng khuâng trong tâm trí.

39
Nghệ nhân dệt thổ cẩm cấp quốc gia duy nhất của Tà Lài - cụ bà Ká Bào - 89 tuổi.

Quốc An - Trịnh Tử Kiên

10
 

Bình luận

Nổi bật

Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng: Tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ

Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng: Tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:19

(CL&CS) - Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng (đơn vị trực thuộc Sở KHCN) đã ghi dấu ấn 20 năm khẳng định là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KHCN và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngành khoa học và công nghệ sẽ có nhiều cống hiến để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Quảng Nam

Ngành khoa học và công nghệ sẽ có nhiều cống hiến để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Quảng Nam

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:19

(CL&CS) - Những nghiên cứu khoa học, công nghệ trên nhiều lĩnh vực đã được ứng dụng hiệu quả, góp phần hiện thực hóa khát vọng Quảng Nam trong thời kỳ mới.

Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo

Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo

sự kiện🞄Chủ nhật, 19/05/2024, 14:18

(CL&CS) - Đây là một trong những hoạt động của Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô xây dựng Thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026” đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, và là hoạt động ý nghĩa của Phụ nữ Thủ đô hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.