Dữ liệu cũ
Thứ năm, 21/11/2019, 10:14 AM

“Bà chúa” Ả Rập và những nô tỳ tầm thấp: Kỳ 2: Cơm người khổ lắm ai ơi!

(NTD) - Cho đến bây giờ, May Sâm vẫn không thể nào quên được buổi tối hôm ấy, khi bà chủ đưa dĩa thức ăn nhão nhoét mà bà ăn thừa cho chị và bắt chị ăn. Cũng như nhiều người Islam, người Ả Rập có thói quen ăn bốc, tức dùng năm ngón tay để ăn chứ không dùng đũa muỗng như những nước khác.

Nhìn dĩa thức ăn mà mọi thứ đã bị bóp nát, trộn vào nhau bấy nhầy, chị May Sâm không thể nghe theo lệnh bà chủ và đem đĩa thức ăn đổ vào bịch rác.

Cho rằng “con ở” cứng đầu, bà chủ vớ luôn cái móc quần áo bằng sắt, phang tới tấp vào người chị. Vừa phang, bà vừa chửi: “Mày không ăn, rồi đêm lại lén lấy thức ăn khác của tao để ăn phải không? Mày phải ăn hết cho tao”. Bị đánh quá đau nhưng cũng không thể nào nuốt được đống thức ăn lúc này đã nằm trong bịch rác, chị May Sâm đành cố gắng cắn răng chịu đựng những cú vụt rớm máu của bà chủ cho đến khi ngất đi. Giờ đây, những cú vụt ấy vẫn còn để lại trên thân thể chị vô số vết sẹo sâu hoắm. Sau một khoảng thời gian lâu, khi đã về nước, chị May Sâm vẫn không thể đụng được đến bất cứ chiếc móc sắt nào, tất cả các móc phơi đồ nhà chị đều là móc nhựa.

a
 

Nhưng nếu nhìn tổng thể, chị May Sâm vẫn còn may mắn hơn khối người qua bên đó làm việc bởi một lý do mà không mấy ai trước khi đi lao động tại Ả Rập được biết. Đó là những phong tục tập quán và nếp sinh hoạt cực kỳ khác lạ của người dân xứ này. Sở dĩ nói chị May Sâm may mắn bởi chị là người Chăm Islam - tức người theo Hồi giáo. Chị có thể hòa nhập vào cộng đồng của nhà chủ một cách không mấy khó khăn. Nhưng với những người Việt khác đạo thì câu chuyện không hề đơn giản. Vài ba tuần từ lúc nhận lời đi xuất khẩu lao động đến lúc lên máy bay, những người này chẳng được trang bị gì đáng kể ngoài vài câu chào lõm bõm nên khi qua bên đó, họ mới ngỡ ngàng và khó khăn khi sống ở một nơi mà các luật lẫn lệ đều cực kỳ nghiêm ngặt.

Nguyễn Thị Thu - một lao động Việt qua Ả Rập - đã vô cùng hốt hoảng khi đang còn lạ nước lạ cái đã trúng ngay phải tháng Ramadan. Người Hồi giáo toàn thế giới gọi đây là tháng chay với những kiêng kỵ khắc nghiệt mà đặc biệt là không được ăn bất cứ thứ gì từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Mặc dù theo lý thuyết thì ai muốn nhịn tự nguyện nhịn, ai không muốn nhịn thì thôi nhưng gia đình mà chị Thu ở vốn là một gia đình hết sức sùng đạo, không ai là không nhịn vào tháng linh thiêng này nên tất nhiên, các người làm trong nhà cũng buộc phải nhịn theo.

a1
 

Vốn có tiền sử bệnh huyết áp thấp nên chị Thu xây xẩm mặt mày vì phải nhịn đói suốt ngày. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều khủng khiếp nhất. Tất cả những người ăn chay tháng Ramadan trong suốt thời gian chay không được để bất kỳ thứ gì trôi xuống cổ họng, kể cả nước miếng! Thế là chị Thu phải chịu đựng cơn khát cháy cổ, cái đói lả người và đồng thời vẫn phải làm việc nhà trong tình trạng chân tay bủn rủn, nếu làm sai chút gì, sẽ bị chủ chửi mắng ngay.

Sự khác biệt về văn hóa và luật lệ luôn là thách thức hàng đầu của những người xuất khẩu lao động. Nơi nào thoang thoáng thì còn nhẹ người, nơi nào khắc nghiệt thì gần như đày đọa. Trong khi đó, khu vực Trung Đông nói chung và Ả Rập nói riêng, nhiều người đã không thể lường trước vấn đề này khi nơi họ đến sinh sống làm việc là một nơi có những luật lệ vô cùng khắc nghiệt mà ngay chính người bản địa nhiều khi chưa chắc đã thực hiện trọn vẹn, huống chi là người từ nơi xa tới. Rất nhiều người lúc này mới hối hận và đặt ra suy nghĩ: Với mức lương từ 8-12 triệu đồng, liệu sự hy sinh này có xứng đáng?

a4
Nếu chủ không hài lòng có thể bị bán sang nhà khác.

Những cuộc mua bán nô tỳ

Câu nói thường gặp ở những lao động nữ từng qua xuất khẩu lao động bên Ả Rập là: Đừng mong họ xem mình như... con người! Vậy thì xem là gì? Nói một cách văn vẻ thì là những “công cụ lao dịch”, còn nói một cách dân dã dễ hiểu thì là những “con nô” không hơn không kém. Nguyên nhân lớn xuất phát từ văn hóa, khi nơi này vẫn là một nơi mà sự phân biệt giai cấp, giai tầng còn rất nặng nề. Thói quen sử dụng người giúp việc phổ biến tại nhiều gia đình Ả Rập, có gia đình mướn đến 5-6 người làm để phục dịch họ. Và vì chỉ là thân phận “con nô” nên việc họ dễ dàng bị trao đổi khi chủ không thích nữa cũng là việc dễ hiểu.

Ay Xa, một phụ nữ người Chăm cư ngụ tại Phú Nhuận là người bị chủ “bán” đến 3 lần, chỉ trong 2 năm làm việc. Khi còn ở Việt Nam, Ay Xa được cò người hứa qua bên đó chỉ phụ giúp nấu ăn, thời gian làm việc là 8 giờ và mức lương là 10 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, công việc nấu ăn cho một gia đình 8 người, nấu liên tục, nấu bất kể giờ giấc khiến cô hoàn toàn kiệt sức. Một lần, vừa lơ mơ ngủ, Ay Xa bị gọi dậy vào lúc 2h đêm để nấu món cà ri cho chủ vì con gái bà ta bất giác... thèm.

a2
 

Quá mệt, Ay Xa lỡ làm đổ một ít nước cà ri ra thảm thì lập tức bị bà chủ bưng nguyên phần cà ri còn lại trong tô trút lên đầu rồi bắt cô phải mang hết tất cả thảm trong nhà ra giặt sạch. Kiệt sức, Ay Xa ngất đi, khi tỉnh lại, cô thấy mình bị đưa ra xe vì bà chủ đã sang nhượng cô cho chủ khác. Nhà này không đông như nhà trước nhưng hành động đầu tiên của bà chủ nhà mới là tịch thu chiếc điện thoại của Ay Xa vì sợ cô nô tỳ mải nhắn tin gọi điện, lơ là việc nhà. Chịu đựng được vài ngày, sau đó nhớ chồng con quá, Ay Xa len lén lấy điện thoại để gọi và nhắn tin qua zalo thì ngay lập tức bà chủ phát hiện và trừng trị bằng cách chọi cả điện thoại lẫn cục sạc vào đầu chị khiến chị chảy máu ròng ròng.

Sợ liên lụy, bà chủ cho Ay Xa đi băng bó vết thương rồi ngay sau đó, tiếp tục “sang nhượng” cô cho một nhà khác với lời đe dọa: “Quá tam 3 bận. Kỳ này mày mà gây chuyện nữa thì vào tù mà ở nha con”. Lời bà chủ cứ như tiên tri! Nhà chủ thứ ba chỉ có hai vợ chồng cùng đứa con lên 3 tuổi và nhiệm vụ của Ay Xa là vừa phụ bếp, vừa trông trẻ. Nhà tuy ít người nhưng ăn uống rất cầu kỳ và công việc của chị rất vất vả. Một lần do bà chủ sai bảo nhiều quá, chị để đứa trẻ trên nhà, nó nghịch ngợm té từ giường xuống đất, khóc inh ỏi. Bà chủ xót con đùng đùng báo cảnh sát bắt bỏ tù Ay Xa với lý do: Nó hành hung con tui.

Luật pháp đâu phải trò đùa! Cảnh sát bèn yêu cầu đem đứa bé đi khám nghiệm vết thương và tiến hành điều tra. Biết có thể sẽ lòi ra cái đuôi vu khống, bà chủ lặn luôn. Cảnh sát yêu cầu bà đưa Ay Xa về thì bà phủi tay: Không, nó làm nguy hại đến con tôi nên tôi để mấy người xử lý. Thế là đang yên đang lành, Ay Xa bỗng nhiên trở thành đứa... ăn cơm tù ở một nơi mà cô ấp ủ biết bao hy vọng đổi đời trước khi đặt chân đến.

a3
 

Bài và ảnh: Vương Liễu Hằng

_NTD_So 209_591-592 (28-)2
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.