Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 16/08/2015, 16:00 PM

Ăn ngủ ở quán “nét” canh rút nộp hồ sơ xét tuyển đại học

Bước vào giai đoạn “cam go” của đợt xét tuyển, rất nhiều thí sinh có tâm lý lo lắng và hoang mang, mất phương hướng khi rút hồ sơ mà chưa biết nộp hồ sơ xét tuyển vào đâu.

Sau những thành công ban đầu của kỳ thi THPT Quốc gia theo hình thức đổi mới, đến nay, bước vào giai đoạn xét tuyển, rất nhiều bất cập nảy sinh khiến thí sinh và người nhà vô cùng lo lắng, bức xúc. PV báo Người ĐưaTin đã có cuộc khảo sát thực tế xét tuyển tại một số trường đại học và thấy rằng tuyển sinh năm nay như một bức tranh “rối như canh hẹ”.

hoang-mang-giua-canh-bac-nguyen-vong-1-1439570592

Hai em học sinh Vương và Linh  đang cùng tính toán để nộp hồ sơ xét tuyển sang trường khác. Ảnh: Dương Thu

Những ngày bước vào giai đoạn “cam go” của đợt xét tuyển, bên cạnh lượng thí sinh đến nộp hồ sơ vào các trường còn rất nhiều em tâm lý lo lắng và hoang mang, mất phương hướng khi rút hồ sơ mà chưa biết nên lựa chọn sang trường nào.

Hồ sơ ảo rút ra, nộp vào khó kiểm soát

Ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin tại nơi tiếp nhận hồ sơ (tầng 4, nhà A, ĐH Luật Hà Nội) buổi sáng ngày 14/8, rất đông thí sinh có mặt tại đây cùng người nhà nhưng đa phần trong số đó đến rút hồ sơ để nguyện vọng sang trường khác vì thấy cơ hội đỗ quá “mong manh”.

Trần Thị Mỹ Linh (Than Uyên, Lai Châu) dù được 25 điểm nhưng theo chia sẻ của em, trên bảng danh sách trúng tuyển tạm thời, em đứng thứ trên 1000. Trong khi đó, chỉ tiêu xét tuyển vào ngành em chọn chỉ hơn 500 chỉ tiêu. Linh tâm sự: “Em cũng sẽ tiếc nếu rút đi mà các bạn khác bằng hoặc kém điểm mình lại đỗ. Nhưng thôi, chắc ăn vẫn hơn”.

Cùng đi với Linh là Vương, bạn học cùng lớp. Vương được 24,75 điểm nhưng cũng không tự tin nên quyết định nộp hồ sơ sang trường khác. “Em thấy tuyển sinh đổi mới nhưng rắc rối hơn nhiều. Em ở tận Lai Châu, phải đi lại rất vất vả. Hai đứa tự mày mò xuống đây, rút hồ sơ xong lại phải tìm hiểu và nộp sang trường khác. Sóng Internet ở chỗ em phập phù lắm. Dù sao, tận tay đi nộp vẫn an toàn nhất”, Vương nói.

Qua chia sẻ, đa phần các thí sinh cho rằng, thời gian xét tuyển 20 ngày là quá dài, sự chờ đợi vô cùng mệt mỏi. Hơn nữa, với 20 ngày, lượng hồ sơ nộp vào sẽ nhiều và khả năng đỗ sẽ không cao, số hồ sơ ảo (rút ra, nộp vào) cũng khó kiểm soát.

“Vì ở xa, sau khi nộp qua đường bưu điện 1 tuần em mới thấy có sự tiếp nhận của trường, sau đó phải đợi thêm 3 ngày nữa để thấy tên mình trên hệ thống xem mình đứng thứ bao nhiêu (tức ngày 13/8). Việc cập nhật thông tin qua mạng Internet rất khó nên chúng em phải vượt qua hơn 500 cây số xuống tận trường và phải ở trọ nhà người quen đến khi nào hết thời gian nhận hồ sơ mới về. Vì không biết đường, hai đứa di chuyển bằng xe ôm, tốn vài trăm nghìn một ngày”, Mỹ Linh nói.

hoang-mang-canh-bac-nop-ho-so-1439572054

Hoài Thu, Minh Thùy và Ngân Diệp (từ phải sang) rất lo lắng rút hồ sơ để nộp sang trường khác. Ảnh: Dương Thu

Trường hợp em Ngô Châu Giang (TP. Tuyên Quang), được chị gái tư vấn “mọi người rút nhiều như thế, hay là mình cứ để nguyện vọng ở đây biết đâu lại có thể đỗ được”, nhưng Giang vẫn rất sợ, không dám mạo hiểm. Với 21 điểm, Giang quyết định rút hồ sơ sang trường ĐH Nội vụ.

Nguyễn Trần Ngân Diệp (SN 1997, Kỳ Sơn, Hòa Bình) không ngại bày tỏ: ““Phải đi lại nhiều vất vả, lại không chắc chắn điều gì, em chỉ ước giá như mình không phải “trâu vàng” mà sinh năm 1996, thi từ năm ngoái thì tốt biết mấy. Mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đổi mới thì cũng đổi mới từ từ, đừng đổi mới ngay như thế này, bọn em thấy rất hoang mang. Em mong Bộ thay đổi những bất cập năm nay để các em những năm sau đỡ khổ”.

Ngân Diệp và hai bạn Nguyễn Hoài Thu, Nguyễn Minh Thùy cũng tâm sự, không dám để “lì” thêm hồ sơ ở trường này thêm nữa vì nếu nộp sang trường khác muộn, có gì đó trục trặc sẽ mất hết cơ hội.

Ăn ngủ ở quán “nét” để… canh điểm

Ghi nhận tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, 16h15’ ngày 14/8, nhưng vẫn còn rất đông thí sinh tới nộp và rút hồ sơ.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình rút và nộp hồ sơ, một thí sinh tên Kiên, trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên - Nghệ An) nói: "Mười mấy ngày nay, em chỉ ăn với vào trang điện tử của trường để canh điểm. Nhà không có máy tính, em phải ra các quán Internet để xem thứ tự xếp hạng của mình. Nhiều hôm, quá trưa vẫn chưa thấy em về, mẹ còn mang tạm cho cái bánh mì vì sợ con đói lả. Nguyện vọng 1 em đăng ký vào khoa Hóa học trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hôm qua xem điểm em còn ở vị trí 175 mà nay đã chạy ngay xuống vị trí 189. Để an toàn, hôm nay em quyết định rút hồ sơ và nộp sang trường khác".

hoang-mang-giua-canh-bac-ho-so-xet-tuyen-143957149

Rất đông thí sinh đến rút hồ sơ xét tuyển tại ĐH Bách Khoa Hà Nội chiều 14/8. Ảnh: Nguyễn Thanh

Một học sinh khác cũng đang mệt mỏi chờ để thay đổi nguyện vọng. Được biết, em Nhung học tại THPT Anh Sơn 1 (Nghệ An) được 24,5 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Chế tạo máy. Tuy nhiên, đến nay em thấy vị trí của mình "không an toàn" nên quyết định thay đổi sang ngành khác. Nhung chia sẻ: "Nếu được lựa chọn, em vẫn muốn có kỳ thi đại học như năm trước, thi xong chỉ cần ngồi chờ điểm, nếu trượt thì vui vẻ với nguyện vọng 2. Năm nay, biết điểm của mình, tưởng chọn được trường phù hợp như đi mua món đồ hợp túi tiền mà giờ vẫn rối như tơ vò, ngay ngáy lo sợ chẳng biết có đỗ được hay không. Em thấy mình chẳng khác gì đi đánh bạc với nguyện vọng 1, phải đợi may mắn thôi".

Tại điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH Thương Mại, Đỗ Thị Bích Sang (Hà Đông) đang lo lắng chưa biết sau khi rút hồ sơ khỏi trường này sẽ nộp hồ sơ vào trường nào. Sang không ăn, không ngủ được vì hụt hẫng bởi đến thời điểm hiện tại, vị trí của em ở trong danh sách vẫn đang khá “chới với” vì lượng hồ sơ nộp vào trường ngày một tăng”.

hoang-mang-giua-canh-bac-ho-so-xet-tuyen-4-1439571
Bích Sang chia sẻ sự mệt mỏi với việc nộp hồ sơ xét tuyển với bạn bè. Ảnh: Cù Hiền

Chia sẻ với PV, Sang nói: “Dù đã đến giai đoạn nước rút nhưng em vẫn khó quyết định vì nhìn vào bảng xếp hạng, em chẳng biết có bao nhiêu trong số đó ngày mai sẽ rút sang trường khác. Nếu họ rút đi, điểm đầu vào hạ xuống, em có thể đỗ, nhưng giả sử, trong vài ngày tới, hồ sơ tăng lên, em không rút sang trường khác thì trượt là chắc chắn. May rủi như đánh bạc với quyết định của mình vậy”.

Hỏi về những lo ngại, Sang phân trần với PV có vẻ như đã tìm hiểu rất kỹ: “Chị thấy đấy, bảng xếp hạng của trường ĐH Dược thay đổi bất thường, bạn nào phải được 26, 5 điểm may ra mới đỗ. Những bạn được 25 điểm sẽ lại nộp vào những trường có tầm điểm chuẩn dự kiến tầm 20-21 điểm như hiện nay, mức điểm chuẩn của những trường này lại đội lên có thể trên 25. Nếu như thế, những bạn tự tin sẽ đỗ bỗng chốc thành trượt hết. Như vậy, năm nay, chưa chắc trường “hot” như ĐH Ngoại Thương, ĐH Kinh tế Quốc dân… đã cao điểm hơn những trường ở “top” dưới. Vì biết đâu đấy, những người điểm cao sợ trượt lại chọn trường “an toàn” để nắm chắc tấm vé vào đại học. Nói chung em thấy cứ rối loạn hết cả lên, rất khó để chủ động “chọn trường” như nhiều người vẫn tưởng”.

Nói về mong muốn của mình, Sang thẳng thắn: “Năm nay, việc tuyển sinh thật sự rối ren, em rất lo lắng. Em chẳng cần thay đổi gì cả, hãy cứ như mọi năm, tuy có cái khó nhưng khi chúng em đặt ra mục đích ngay từ đầu là đăng ký vào trường nào sẽ phấn đấu hết mình để đạt được mục tiêu. Như năm nay, mang tiếng có điểm trong tay, tự chọn trường mà hồ sơ rút ra nộp vào “ảo” thế này, chọn cũng phải phụ thuộc hên xui”.

hoang-mang-canh-bac-nop-ho-so-3-1439572403
Bàn tiếp nhận hồ sơ ĐH Luật Hà Nội chật kín sáng 14/8. Ảnh: Dương Thu

Còn Nguyễn Thị Liên, đến từ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có nguyện vọng vào khoa Kế toán trường ĐH Thương Mại. Khoa này lấy 300 chỉ tiêu, Liên được 20 điểm và em đang đứng ở vị trí thứ 1000 trong danh sách. Cảm thấy quá khó để đỗ, Liên dự định sẽ nộp hồ sơ vào khoa Kế toán, ĐH Thủy Lợi. Gương mặt nhễ nhại mồ hôi, Liên thỏ thẻ: “Chẳng biết có đỗ nổi không chị ạ”.

Tin tức mới nhất về Xã hội mời bạn đọc xem thêm tại đây.          

Theo Người Đưa Tin

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.