Xuất khẩu tôm có thể phục hồi vào cuối năm

(CL&CS) - Theo VASEP, sang quý 3/2023, xuất khẩu tôm có thể phục hồi vì lượng tôm tồn kho ở các nước đã giảm, nhà nhập khẩu phải đặt hàng để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm.

VASEP dự báo, xuất khẩu tôm năm nay ước đạt 3 tỷ USD, giảm mạnh so với mức kỷ lục 4,3 tỷ USD năm 2022.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 84 thị trường, mang về doanh số 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường Mỹ, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 227 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu tôm vào Mỹ từ các nguồn cung tiếp tục ảm đạm với mức giảm 18%.

Theo VASEP, nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm là do giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn các nguồn cung đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, chuyển sang dùng thực phẩm giá rẻ hơn.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho còn nhiều nên các nhà nhập khẩu Mỹ sợ giá còn giảm nữa nên chưa dám mua vào. Tồn kho cao, chất lượng sản phẩm ngày càng giảm, chi phí lưu kho cao, các nước sản xuất vào vụ thu hoạch, cung tăng, giá tôm sẽ tiếp tục giảm nữa.

Thêm vào đó, tại Mỹ, lãi suất tăng cao liên tục, thậm chí còn cao hơn Việt Nam, tác động tiêu cực tới nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này.

Tại EU, những tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ chậm. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm nay đạt 153 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do chiến tranh Nga - Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá.

Người dân chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào, cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ.

VASEP dự báo, từ tháng 7, khi thu hoạch tôm từ các nước giảm, các nhà nhập khẩu EU bắt đầu tăng nhẹ sức mua từ Việt Nam để chuẩn bị cho dịp cuối năm.

Về thị trường Nhật Bản, VASEP cho biết, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 192 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tôm giá trị gia tăng sang thị trường này.

Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật tương đối thuận lợi hơn các thị trường khác do tôm từ các nước Ecuador, Ấn Độ chưa đáp ứng được bằng hàng Việt Nam về hàng giá trị gia tăng. Dự kiến quý cuối năm nay, nhu cầu nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ tăng nhẹ.

Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 214 triệu USD, giảm 22%. Nguyên nhân chính là do giá tôm Việt Nam cao.

Dự báo, từ tháng 8 trở đi, nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc dự kiến tăng nhẹ để phục vụ dịp Trung thu, Quốc Khánh và dịp lễ hội cuối năm.

Theo VASEP, nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm gặp khó khăn trong những tháng đầu năm là dịch bệnh, chiến tranh dẫn đến kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát gia tăng. Người dân thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu, lựa chọn những thực phẩm giá rẻ… Khiến nhu cầu tiêu thụ tôm giảm và nguồn cung trên thế giới tăng, đặc biệt là từ Ecuador và Ấn Độ.

Các nước như Indonesia, Ecuador thu hoạch tôm sớm với sản lượng tôm trúng mùa cả về lượng và kích thước tôm, cạnh tranh với tôm Việt Nam. Các nước này cũng đang cung ứng với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1-2 USD/kg, khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn.

Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục trong các tháng vừa qua, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn ngành tôm.

Tại Diễn đàn tôm Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, xuất khẩu tôm của nước ta bắt đầu sụt giảm từ tháng 8/2022 và kéo dài cho tới nay.

Thời điểm đầu năm nay, doanh nghiệp và hiệp hội đều dự báo hết quý 1 xuất khẩu tôm sẽ ổn định và bắt đầu tăng trưởng từ quý 2, song, tình huống không như mong đợi, tháng 5/2023, xuất khẩu tôm vẫn ghi nhận mức sụt giảm 28% so với tháng 5/2022.

Sang quý 3/2023, xuất khẩu tôm có thể phục hồi. Bởi, lượng tôm tồn kho ở các nước đã giảm, nhà nhập khẩu phải đặt hàng để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm. Tuy nhiên, ông Hòe dự báo, xuất khẩu tôm năm nay ước đạt 3 tỷ USD, giảm mạnh so với mức kỷ lục 4,3 tỷ USD năm 2022.

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nếu tiếp cận được nguồn tín dụng sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý 1/2024. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi tôm có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi trong giai đoạn hiện nay thay vì treo ao.

Tôm Việt Nam ngày càng giảm sức cạnh tranh so với Ecuador, Ấn Độ. Làm sao để nuôi tôm thương phẩm với giá thành thấp và tỷ lệ nuôi thành công cao, chúng ta phải có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan trong chuỗi ngành. Kết hợp từ công ty sản xuất con giống chất lượng tốt, thức ăn chất lượng với giá thành thấp, các đơn vị cung ứng chế phẩm nuôi trồng với giá cả hợp lý.

Toàn ngành tôm cũng đang trông chờ Chính phủ và các bộ ngành có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành về giảm các chi phí, giảm lãi vay, tiền điện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định phòng cháy…

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP chỉ rõ, trong chuỗi giá trị của con tôm, chúng ta làm tốt ở khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, hệ sinh thái con giống, nguyên liệu của ngành tôm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng trong một thời gian dài. Giá thành tôm Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới.

Để nâng cao tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam, doanh nghiệp cho rằng cần có sự chung tay của các bên (nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng) nhằm cải thiện khâu giống và nuôi trồng. Đặc biệt, ngành tôm cần những chính sách ưu đãi cho phát triển bền vững, sản xuất nguyên vật liệu thiết yếu và xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến phải rà soát lại chi phí sản xuất, cắt giảm chi phí không cần thiết. Song song là cố gắng phát triển thêm các mặt hàng giá trị gia tăng có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn (như sushi, tôm tẩm bột, tempura, tôm ăn liền…), các sản phẩm đặc thù như tôm nuôi quảng canh trong hệ rừng sinh thái cung cấp cho phân khúc thị trường cao cấp.

Ngoài các thị trường lớn với nhu cầu đang thấp, doanh nghiệp nên tìm tới những thị trường nhỏ như tại khu vực Châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Thụy Sĩ…) có sức mua tốt hơn do không có lượng tồn kho.

TIN LIÊN QUAN