Xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng mạnh

(CL&CS)- Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ; Nhật Bản; Trung Quốc; EU, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, Hoa Kỳ ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 99% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc đạt 0,82 tỷ USD, tăng 22,9%; EU đạt 0,68 tỷ USD, tăng 54% và Hàn Quốc đạt 0,76 tỷ USD, tăng 7%.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn hàng đặc biệt là từ Hoa Kỳ, EU. Đây là hiệu quả của sự hợp tác song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và EU cũng như việc triển khai các hiệp định FTA giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận được với các thị trường truyền thống.

Theo ông Nghĩa thì chế biến sâu các sản phẩm có giá trị sẽ tiếp tục tăng cao, ví dụ các mặt hàng tủ bếp. Các mặt hàng nội thất cũng đã có sự tăng trưởng lớn với mức 40%.

“Sản phẩm dăm, viên nén vẫn duy trì mức tăng trưởng như năm ngoái. Như vậy, từng bước, ngành chế biến gỗ đã có sự tăng trưởng và chuyển dịch lớn từ sản xuất các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn” – ông Nghĩa khẳng định.

Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn hàng đặc biệt là từ Hoa Kỳ, EU. Đây là hiệu quả của sự hợp tác song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và EU cũng như việc triển khai các hiệp định FTA giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận được với các thị trường truyền thống. Ảnh: bộ Công thương

Bên cạnh những thuận lợi thì ngành lâm nghiệp nói chung và xuất khẩu gỗ và lâm sản nói riêng còn nhiều thách thức. Theo đó, sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến thương mại hai chiều giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, chi phí logistics đang tăng cao, thiếu container rỗng, chi phí vận tải tăng, chi phí vật tư như sơn, keo trong ngành gỗ cũng tăng cao. Ngoài ra, việc tăng trưởng quá lớn tại một số thị trường trọng điểm dẫn đến những áp lực, làm thế nào để có thể cân đối hài hòa việc phát triển thương mại giữa các quốc gia.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã tập trung phát triển rừng, qua đó tạo nền tảng, chủ động về nguyên liệu để Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững. Xuất khẩu giá trị lớn, nhưng chủ yếu nguyên liệu ở trong nước.

Trong những tháng cuối năm ngành lâm nghiệp không được chủ quan bởi dịch Covid-19 khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành, trong đó có ngành lâm nghiệp, đặc biệt là những rào cản thương mại từ các thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.

Do đó, ông Lê Quốc Doanh đề nghị ngành lâm nghiệp cần lên kịch bản, lường hết tất cả các khó khăn, từ sản xuất, lưu thông đến xây dựng các chuỗi giá trị, để từ đó xây dựng các phương án cụ thể, nếu có bất thường xảy ra sẽ không bị lúng túng.

TIN LIÊN QUAN