Xuất khẩu gạo sẽ vượt kế hoạch cả năm

(CL&CS) - Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gần 4,8 triệu tấn gạo, 4 tháng còn lại dự kiến xuất khẩu 1,5 - 1,7 triệu tấn, khả năng sẽ đạt và vượt kế hoạch cả năm (6,3 - 6,5 triệu tấn).

Liên tục trong những năm qua, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là châu Á (chiếm hơn 50%), tiếp theo là châu Phi và châu Mỹ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam và báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 8 tháng đầu năm, giá trị và sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 2,3 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ và 4,8 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 4 tháng còn lại dự kiến xuất khẩu 1,5 - 1,7 triệu tấn, khả năng sẽ đạt và vượt kế hoạch cả năm (6,3 - 6,5 triệu tấn).

Chia sẻ mới đây, ông Nam cho biết, liên tục trong những năm qua, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là châu Á (chiếm hơn 50%), tiếp theo là châu Phi và châu Mỹ.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Viêt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,89 triệu tấn, tương đương 1,06 tỷ USD. Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch, đạt 520.445 tấn.

Theo ông Nam, Philippines là thị trường rất quan trọng trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trước đây khi thực hiện Hiệp định thương mại gạo với Việt Nam, Philippines thường mua gạo trắng thường có 15 - 25% tấm. Sau khi nước này mở cửa cho nhập khẩu tự do thì thương nhân của họ tập trung vào phân khúc gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam. Đối với gạo thơm, gạo chất lượng cao (Đài Thơm 8, OM5451, OM18) là những loại gạo hiện không có nước nào xuất khẩu thay thế được. Định hướng cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài không thay đổi trong năm 2022 và năm 2023. Đây cũng là lợi thế của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

“Sau khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo trắng và cấm xuất khẩu gạo tấm, Philippines lo ngại nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng, trong khi họ không thể ngừng nhập khẩu gạo. Nhu cầu sắp tới đối với gạo thơm như Đài Thơm 8, OM5451, OM18 vẫn là chủng loại được ưa chuộng tại Philippines”, Chủ tịch VFA cho hay.

Thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc, 8 tháng đầu năm nay Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn hơn 500.000 tấn gạo, giá trị gần 270 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Từ chỗ chiếm 30-40%, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 10% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường này có sự thay đổi trong cơ cấu gạo nhập khẩu, tập trung nhập gạo nếp và gạo ST từ Việt Nam. Hiện tại nhu cầu gạo nếp của Trung Quốc lớn nhưng Việt Nam không đủ nguồn cung.

Ông Nguyễn Ngọc Nam thông tin thêm, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu gạo trắng đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng gạo.

Ông Nam dự đoán, trong thời gian tới, có khả năng giá gạo thị trường tiếp tục tăng do lượng gạo của Ấn Độ sụt giảm nguồn cung. Đây cũng là lý do, ông Nam tin rằng vụ lúa Đông Xuân tới đây, Việt Nam tiếp tục thắng lợi trong xuất khẩu gạo.

Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện, Việt Nam vẫn đứng sau Ấn Độ và Thái Lan về xuất khẩu gạo sang các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn cung ở các nước này đang thiếu hụt hơn so với Việt Nam và gạo Việt Nam ngày càng có lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ Thái Lan. Nhiều thương nhân Thái cũng đang lo ngại trước sức cạnh tranh của gạo Việt khiến Thái Lan có thể bị mất thị phần.

Bày tỏ sự lạc quan về thị trường lúa, gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, giá lúa trong nước đang tăng là điều đáng mừng cho người nông dân, bởi vụ Hè thu, giá lúa thấp, bà con bị lỗ nên rất cần giá lúa lên.

Khi giá lúa tốt hơn sẽ tạo động lực để người nông dân đầu tư cho vụ Đông Xuân 2022 -2023 sắp tới cũng là vụ lúa chính trong năm. Giá lúa gạo tăng cũng giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2022 sản lượng 6,3 tấn, trị giá 3,3 tỷ USD.

Dự báo đến tháng 10, khi các nước đã thu hoạch xong vụ lúa, chính phủ nhiều nước sẽ nhập khẩu gạo trở lại, khi đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt đầu thu hoạch lúa Thu Đông, chất lượng gạo tốt cộng với nhu cầu thị trường mạnh sẽ giúp giá lúa gạo tăng lên.

Gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới, cao cấp như: Mỹ, Châu Âu... Đặc biệt, Nhật Bản đã nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng... Trong khi đó, nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam trên thị trường rất cao. 

TIN LIÊN QUAN