Các nhà sản xuất cá tra trên thế giới vẫn lay hoay sau một năm hỗn loạn đóng cửa - mở cửa 2020. Doanh số bán hàng của kênh Horeca tại các khu vực thị trường mục tiêu giảm sút dẫn tới giá mua thấp, nhiều nhà sản xuất ngừng kinh doanh hoặc giảm lượng hàng dự trữ.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), diện tích nuôi thả cá tra tại ĐBSCL trong các tháng 7 - 8 - 9/2021, giảm khoảng 30 - 55% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái, nên trong quý 1 của năm 2022, có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến xuất khẩu. Dự kiến, sản lượng nuôi cá tra của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 1,5 tỷ USD.
Giá cá tra nguyên liệu trong nửa đầu năm 2021 tại ĐBSCL thấp và thiếu ổn định, do đó, cần phải xem xét thêm lượng hàng dự trữ của các nhà xuất khẩu. Cũng trong thời gian này, giá bột cá liên tục tăng khiến cho lợi nhuận của cả người nuôi và doanh nghiệp bị nghẹt ngòi cho dù họ đã thay đổi phương thức cho ăn để giữ size cá.
Kể từ cuối tháng 7/2021, khi lực lượng lao động từ TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ trở về miền Tây sau thời gian dài giãn cách đã khiến Covid-19 len lỏi vào sâu trong các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam. Kể từ thời điểm này, cả nuôi trồng, vận chuyển và xuất khẩu cá tra của Việt Nam giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái.
Cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn là nhà sản xuất và cung cấp cá tra hàng đầu thế giới. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam, sau khi phục hồi vào nửa cuối năm 2020, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3-4/2021. Các nhà nhập khẩu cá tra cho biết, giá cá nước ngọt của nước này trong nửa đầu năm nay tăng mạnh, thời tiết ảnh hưởng tới sản lượng nuôi của Trung Quốc do đó cá tra Việt Nam vẫn là sản phẩm thủy sản thay thế hấp dẫn.
Nhu cầu nhập khẩu cá tra của người tiêu dùng Mỹ cũng đã hồi sinh theo ngành dịch vụ thực phẩm (Foodservice) của nước này. Lượng nhập khẩu cá da trơn của Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2021 tăng gần gấp đôi so với quý 2/2020 và là mức nhập khẩu cao nhất kể từ năm 2018.
Cho dù, Việt Nam đánh giá Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn cho các nhà xuất khẩu cá tra, tuy nhiên cho tới năm nay dường như xu hướng này vẫn đang đi ngược lại. Tình trạng ảm đạm tại thị trường EU vẫn tiếp diễn có thể là do nhu cầu từ kênh Horeca giảm, chi phí vận chuyển cũng tăng quá cao trong khi giá nhập khẩu trung bình không tăng được.
Do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và sự giậm chân ở một số thị trường lớn như EU hay ASEAN nên các thị trường mới nổi như: Nga, Ai Cập, Brazil, Mexico… giúp lan tỏa các điểm đến cho các lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu trong năm 2021.
Giá nhập khẩu cá tra phile trung bình của một số nước như Mỹ, Brazil, Trung Quốc dự báo vẫn tiếp tục tăng ổn định cho tới cuối năm 2021.
Cho tới nay, diện tích cá tra nuôi tại ĐBSCL đang giảm, thấp hơn so với kế hoạch ban đầu đã đề ra do vậy nhiều khả năng nửa đầu năm 2022, các nhà chế biến cá tra Việt Nam thiếu hụt nguyên liệu cho xuất khẩu. Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục căng thẳng tại miền Tây - nơi tập trung hầu hết các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam, điều này có thể tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến và logistics và khả năng mở rộng thương mại toàn cầu của cá tra Việt Nam trong năm tới.