Ảnh minh họa.
Nỗ lực quản lý AI trên thế giới
AI không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho các ngành công nghiệp mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia. Với khả năng tự động hóa và xử lý dữ liệu khổng lồ, AI đã và đang cách mạng hóa nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông và thương mại điện tử.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI cũng đem lại nhiều thách thức đáng kể. Những vấn đề về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu cá nhân, an ninh việc làm và các tiêu chuẩn đạo đức trong phát triển và triển khai AI đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với nhà quản lý và các tổ chức.
Trước thách thức đó, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu đưa ra biện pháp quản lý nhằm đảm bảo việc sử dụng AI một cách an toàn và có trách nhiệm. Ngày 21/3/2024, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết đầu tiên liên quan đến lĩnh vực AI. Nghị quyết nhấn mạnh việc phát triển các hệ thống AI "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy", đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên tôn trọng nhân quyền trong quá trình triển khai và sử dụng AI.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là hai trong những khu vực tiên phong trong xây dựng quy định về AI. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu rủi ro từ AI, thiết lập các tiêu chuẩn về an toàn và bảo mật, cũng như thúc đẩy sự công bằng trong ứng dụng AI. Trong khi đó, EU đã thông qua Đạo luật AI vào ngày 13/3/2024, tạo ra các tiêu chí phân loại AI dựa trên mức độ rủi ro, từ đó điều chỉnh các mô hình AI, bao gồm cả những ứng dụng như ChatGPT.
Việt Nam xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn cho AI
Ngày 26 tháng 01 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, xác định AI là lĩnh vực công nghệ nền tảng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc định hình các tiêu chuẩn cho AI sẽ giúp Việt Nam không chỉ phát triển công nghệ một cách an toàn mà còn đáp ứng được những thách thức từ quốc tế.
Đến nay, việc xây dựng các tiêu chuẩn quản lý AI vẫn đang ở giai đoạn đầu. Việt Nam đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan như TCVN 13903:2023 (ISO/IEC TR 24028:2020) về Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo -Tổng quan về tính đáng tin cậy trong trí tuệ nhân tạo.
Theo đó, tiêu chuẩn đưa ra những thuật ngữ liên quan đến AI cần nắm; tổng quan về các khái niệm AI; các phương pháp tiếp cận để đánh giá tính khả dụng, khả năng phục hồi, tính tin cậy, độ chính xác, an toàn, bảo mật và quyền riêng tư của các hệ thống AI; đặc tả về mức độ đáng tin cậy đối với các hệ thống AI nằm ngoài phạm vi của tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, đây mới là những thông tin cơ bản, giải thích ý nghĩa, từ ngữ liên quan đến AI, không theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của AI hiện nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về AI - quy trình vòng đời và yêu cầu chất lượng gồm 2 phần (siêu mô hình chất lượng và độ bền vững). Dự thảo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Theo dự thảo, tiêu chuẩn về AI đề xuất sự khác biệt giữa các mô-đun AI liên quan đến tính an toàn, bảo mật, quyền riêng tư và mức độ phù hợp về đạo đức của từng AI; áp dụng cho tất cả các giai đoạn vòng đời của mô-đun AI từ khái niệm, phát triển, triển khai, vận hành và ngừng hoạt động; đồng thời đề cập đến các quy trình vòng đời khác nhau.
Trong bối cảnh này, tiêu chuẩn ISO/IEC 42001:2023 về hệ thống quản lý AI được công nhận trên toàn cầu, đang trở thành công cụ quan trọng giúp các tổ chức và doanh nghiệp quản lý hiệu quả việc triển khai AI. Tiêu chuẩn này không chỉ tập trung vào vấn đề an toàn và bảo mật mà còn giải quyết các thách thức về đạo đức, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong quá trình phát triển AI. Việc áp dụng tiêu chuẩn này sẽ giúp nâng cao chất lượng và niềm tin vào các hệ thống AI, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí phát triển.
AI đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các quốc gia và tổ chức phải có chiến lược quản lý hợp lý. Sự phát triển nhanh chóng của AI đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, nhằm đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm và mang lại lợi ích bền vững cho toàn xã hội. Việc đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể về AI không chỉ giúp quá trình phát triển AI tại Việt Nam theo đúng lộ trình, ngày càng hiệu quả mà còn giúp tiếp cận, cải thiện hiệu quả và năng suất của hệ thống khoa học và nghiên cứu công nghệ AI, giúp giảm chi phí trùng lặp trong việc thu thập, chuyển giao và tái sử dụng dữ liệu và tài liệu khoa học. Phát triển các sản phẩm và dịch vụ sử dụng công nghệ AI từ đó đóng góp cho quá trình chuyển đổi số, phát triển bền vững.