Cụ thể, Văn phòng Dịch vụ Dự án thuộc Liên Hợp Quốc (UNOPS), Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Năng lượng Đông Nam Á (ETP) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), các thành viên Liên danh tư vấn bao gồm: Viện Nghiên cứu Phát triển Tiêu chuẩn Chất lượng (ISSQ); Công ty TNHH Pondera Việt Nam (thuộc Pondera Hà Lan), Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước Quốc Gia (Nawapi) ... vừa tổ chức buổi họp tham vấn đầu tiên trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về ĐGNK tại Việt Nam.
Cuộc họp tham vấn xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về ĐGNK tại Việt Nam
Với mong muốn thúc đẩy việc trao đổi và hợp tác giữa các bên liên quan nhằm xây dựng một bộ tiêu chuẩn ĐGNK đầy đủ theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và thông tư 11/2021/TT-BKHCN của Bộ KH&CN. Việc ban hành các Tiêu chuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch Phát triển điện 8 (PDP VIII) và góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Việt Nam.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đại diện ETP-UNOPS thông tin, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về ĐGNK góp phần vào việc thúc đẩy nhập khẩu, nội địa hóa sản xuất các sản phẩm liên quan đến các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế, đảm bảo chất lượng, an toàn cho các dự án điện gió ngoài khơi và là bước đi quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Bà Phùng Thị Thu Hằng - Quản lý và Điều phối dự án OWP, cho biết, dự án với tác động góp phần tạo nên bộ tiêu chuẩn TCVN toàn diện về ĐGNK tại Việt Nam và là nền tảng đáng tin cậy cho các cơ quan quản lý nhà nước về việc nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) tích hợp vào các dự án NLTT tại Việt Nam.
Đây là cơ hội để thúc đẩy việc trao đổi và hợp tác giữa các bên liên quan nhằm xây dựng một bộ tiêu chuẩn ĐGNK
Dự án này được thực hiện trong khuôn khổ chương trình Chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á, một chương trình có nhiều bên tham gia, và thực hiện trong 5 năm nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á hướng tới năm 2025. Việc triển khai chương trình dự kiến sẽ góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc và các mục tiêu khí hậu Paris năm 2030.
ETP đặt mục tiêu tăng cường khả năng tự chủ về hệ thống năng lượng của các quốc gia đối tác nhằm đảm bảo tính bền vững về môi trường, tăng trưởng về kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng. Chương trình ưu tiên ba quốc gia là Indonesia, Philippines và Việt Nam, là những quốc gia trong khu vực có nhu cầu năng lượng cao nhất, có một lượng lớn dự án về nhiên liệu hóa thạch đang triển khai và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo và đạt hiệu quả về tiết kiệm chi phí.
Bộ tiêu chuẩn toàn diện về ĐGNK sẽ: Đảm bảo chất lượng đồng nhất các dự án ĐGNK, đảm bảo an toàn và lợi ích cộng đồng; Đảm bảo tiêu chuẩn hóa và bảo vệ các khoản đầu tư, công trình và hoạt động trong các dự án ĐGNK. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng đáng tin cậy và hiệu quả; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai năng lượng tái tạo ở Việt Nam như dự kiến trong Quy hoạch phát triển điện lực VIII (PDP8) và góp phần đạt được cam kết không phát thải ròng.
Ông. Joost Starmans – Chuyên gia điện gió ngoài khơi – đại diện Pondera Việt Nam chia sẻ, tổng quan về các yêu cầu, tiêu chuẩn áp dụng hiện hành đối với OWP ở Việt Nam và Quốc tế (5 nước) gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Vương Quốc Anh, Đức, Hà Lan.
Các tiêu chuẩn Quốc gia hiện hành về điện gió
Được biết, Pondera thành lập vào năm 2007 với vai trò là nhà tư vấn và phát triển năng lượng bền vững. Đại diện Pondera Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc sử dụng kiến thức và chuyên môn của mình để hỗ trợ các dự án chuyển đổi năng lượng nhằm góp phần tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. Pondera đã tham gia phát triển hơn 15 GW các dự án năng lượng tái tạo, với hơn 5 GW điện gió ngoài khơi. Thành tích nổi bật trong lĩnh vực gió ngoài khơi kể từ năm 2008, Pondera đồng phát triển một trong những trang trại gió ngoài khơi đầu tiên ở Hà Lan.
Tiến sĩ Vũ Văn Diện – Chuyên gia tiêu chuẩn – Phó trưởng dự án cũng đã thông tin về quy trình và phương pháp xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN)
Cụ thể, một tiêu chuẩn phải được soạn thảo cho một đối tượng được tiêu chuẩn hoá và được công bố thành một tiêu chuẩn hoàn chỉnh. Tiêu chuẩn cũng có thể được tách ra thành các phần riêng có cùng một số hiệu tiêu chuẩn để có thể thay thế, sửa đổi riêng từng phần của tiêu chuẩn khi cần thiết, trong các trường hợp: Tiêu chuẩn có nội dung rất lớn và đề cập đến nhiều khía cạnh; Các phần của tiêu chuẩn liên kết với nhau; Các phần của tiêu chuẩn có thể được viện dẫn độc lập trong các văn bản pháp quy; hoặc được dùng cho mục đích chứng nhận.
Việc xây dựng TCVN dựa theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006; Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007; Nghị định 78/2018/NĐ-CP; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP; Thông tư 11/2021/TT-BKHCN Quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn; Quyết định 22/2007/QĐ-BKHCN Quy chế tổ chức và hoạt động của BKTTCQG; TCVN 1-1: 2008 Xây dựng tiêu chuẩn – Phần 1: Quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn thực hiện; TCVN 1-2: 2008 Xây dựng tiêu chuẩn – Phần 2: Quy định về trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn quốc gia; TCVN 6709-1 : 2007 (ISO/IEC Guide 21-1: 2005) Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế và tài liệu khác của ISO và IEC thành tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực − Phần 1: Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO và IEC; TCVN 6709-2 : 2007 (ISO/IEC Guide 21-2: 2005) Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế và tài liệu khác của ISO và IEC thành tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực − Phần 2: Chấp nhận tài liệu khác của ISO và IEC.
Nhằm đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn điện và cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, việc xây dựng chiến lược phát triển ĐGNK tại Việt Nam thành cường quốc ĐGNK là rất cần thiết.
Việt Nam có tiềm năng kinh tế kỹ thuật ĐGNK trên 600 GW, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển, đầu tư các dự án. Để phát triển bền vững ngành ĐGNK, việc xây dựng cơ sở pháp lý thúc đẩy ĐGNK (luật, chiến lược quốc gia về điện gió ngoài khơi và các văn bản chính sách liên quan...) là cực kỳ quan trọng. Việc đã và đang triển khai xây dựng và dự kiến ban hành 20 tiêu chuẩn điện gió ngoài khơi, sẽ là cơ sở để thúc đẩy Quy hoạch Phát triển Điện 8 (PDP VIII) và đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.