Vốn ngoại “rót” gần 1,6 tỷ USD vào bất động sản trong 8 tháng đầu năm 2021

(CL&CS) - Bất chấp dịch COVID-19, 8 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” 1,6 tỷ USD vào bất động sản.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020.

8 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” 1,6 tỷ USD vào bất động sản.

Trong đó, có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (giảm 36,8% về số dự án) với tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ về số vốn đăng ký). Ngoài ra, 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 11%) nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm vẫn tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ (đạt gần 5 tỷ USD). Có 2.720 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 43,4%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,81 tỷ USD (cũng giảm 43,4% so với cùng kỳ).

Trong 8 tháng đầu năm 2021, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 7 tháng (tăng 2,3%). Vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2020 và đạt mức tăng mạnh hơn so với 7 tháng đầu năm (tăng 16,3%).

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD và trên 734 triệu USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Long An là tỉnh dẫn đầu thu hút FDI với hơn 3,6 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 85,8% tổng vốn đầu tư của Long An). Tiếp theo là TP.HCM với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với gần 1,7 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư. Kế đến là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội...

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực và hội tụ đủ các yếu tố để đẩy nhanh dịch bệnh trong tầm kiểm soát. Đây là một cơ hội tốt cho thị trường bất động sản Việt Nam khi nó quản lý để khơi thông nguồn cung và thu hút đầu tư nước ngoài.

TIN LIÊN QUAN