Cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 - phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 6 trong năm 2024.
Theo đó, tại phiên họp, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiên cứu các cơ chế để chuyển giao công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị; đặc biệt cần nghiên cứu, sớm triển khai tuyến đường sắt kết nối Viêng Chăn (Lào) - Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Dự án đường sắt này là dự án quan trọng, nằm trong tổng thể dự án đường sắt Việt - Lào và là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, được thể hiện trong quá trình triển khai thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.
Tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng có tổng chiều dài 554,7km, trải dài lãnh thổ 2 nước Lào và Việt Nam.
Dự án đường sắt có quy mô 2 ray với khổ ray 1.435m, vận tốc 150km/h với tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng (tương đương 6,3 tỷ USD) được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án gồm 8 nhà ga (một ga chính, 7 ga trung gian) được đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, công nghệ tàu điện khí hóa tốc độ cao chạy bằng động cơ diezen.
Dự án đường sắt Việt - Lào, đoạn từ Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ (dự án thành phần) đã nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Sau khi tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng đi vào hoạt động, hoạt động giao thương hàng hóa từ Việt Nam với các nước láng giềng, được tạo điều kiện phát triển, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế.
Dự án đường sắt Viêng Chăn - vũng Áng cũng tạo lợi thế rộng mở cho các doanh nghiệp Việt - Lào hợp tác phát triển đối với những lĩnh vực nhiều tiềm năng.
Việc xây dựng tuyến đường sắt kết nối thủ đô Viêng Chăn (Lào) - cảng Vũng Áng của Việt Nam được xem là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế biển của Việt Nam.
Cảng Vũng Áng được xem là cảng biển có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ giao thông giữa miền Trung Việt Nam và miền Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Nơi đây (cảng Vũng Áng) có thể trở thành một trung tâm logistic quốc tế, phục vụ không chỉ Việt Nam và Lào mà còn các nước trong khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của khu vực.
Tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng sau khi hoàn thành cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách từ Lào và các quốc gia khác đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các bãi biển ở miền Trung Việt Nam, đặc biệt là tại khu du lịch ven biển gần cảng Vũng Áng, thúc đẩy việc phát triển du lịch vùng ven biển gần cảng Vũng Áng, đặc biệt các tour du lịch liên kết giữa Việt Nam và nước bạn Lào, tăng cường giao lưu văn hóa cũng như quảng bá du lịch.
Tuyến đường sắt Việt - Lào qua cảng Vũng Áng không chỉ có tiềm năng lớn về kinh tế mà còn mang đến lợi ích to lớn về mặt xã hội, môi trường và an ninh. Việc đầu tư và phát triển tuyến đường sắt này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện cho cả Việt Nam và Lào.
Cảng Vũng Áng là nơi chứa đựng dấu ấn tình hữu nghị giữa Việt Nam và nước bạn Lào.
Trong suốt hơn 13 năm qua, CTCP cảng quốc tế Lào - Việt (trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Việt Nam) đã trở thành cầu nối cho tình hữu nghị Việt Lào. Mỗi một bước phát triển của doanh nghiệp được xem là một dấu ấn đẹp, được vun đắp trên truyền thống hợp tác giữa hai nước.