Việt Nam chuyển mình vào cuộc cạnh tranh tri thức toàn cầu

(CL&CS) - Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang dần hồi phục và “đứng lên” từ chính những khó khăn, thị trường IT Việt Nam cũng đang phát triển trong bối cảnh mới.

Việt Nam chuyển mình vào cuộc cạnh tranh tri thức toàn cầu. Ảnh: KN

Kể từ khi đại dịch bùng phát, ngành công nghệ thông tin cũng như mọi ngành nghề khác phải đối diện với không ít khó khăn và liên tục thay đổi để thích nghi với một hoàn cảnh mới. Báo Cáo Thị Trường IT Việt Nam 2021 - Developers Recruitment State, giờ đây chính là cuộc cạnh tranh của tri thức, của sự cấp tiến trong tư duy về thị trường công nghệ.

Dù chịu ảnh hưởng của nhiều làn sóng dịch Covid-19 liên tiếp, tuy nhiên kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Công nghệ thông tin vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất điện thoại di động và linh kiện, đứng thứ 10 thế giới về sản xuất linh kiện điện tử. Đây cũng là hai yếu tố chính giúp lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam trở thành ngành xuất siêu lớn nhất trong sự tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 đạt ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và có 1,5 triệu nhân viên trong lĩnh vực kỹ thuật số. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ có thể bứt phá và mở rộng hơn quy mô kinh doanh nhờ các chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Cũng nhờ đó, dư địa việc làm trong lĩnh vực này sẽ còn dồi dào hơn.

Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục xây dựng các chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực IT cũng như định hình cơ cấu chuyển đổi số quốc gia rõ ràng, hiệu quả. Việt Nam chú trọng đầu tư mạnh vào chi phí cạnh tranh, cơ sở hạ tầng với các tổ hợp công nghệ thông tin, các khu công nghệ cao để trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư công nghệ nước ngoài.

Theo các số liệu thống kê từ năm 2018 - 2022 được đưa ra, nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn đang tăng cao liên tục. Dựa trên Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2021 của TopDev, đến năm 2021 Việt Nam sẽ còn cần đến 450.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.

Thực tế là, số lượng ngành học về công nghệ thông tin ở các trường đại học đang mở rộng ngày càng nhiều cũng như số lượng cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành này vẫn tăng cao qua mỗi năm, tại sao vẫn có sự chênh lệch này? Sự thiếu hụt này chủ yếu là do trình độ của lập trình viên và yêu cầu doanh nghiệp đặt ra vẫn chưa thực sự cân bằng với nhau. Trong số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần.

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn vững vàng, những kỹ năng mềm như khả năng tư duy phát triển, giao tiếp, quản lý thời gian, trình độ ngoại ngữ,... cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển chọn và đánh giá ứng viên của nhà tuyển dụng. 

Chính sự biến động của tình hình chung do dịch bệnh gây ra cũng như sự đổi mới liên tục của công nghệ đòi hỏi ở các lập trình viên khả năng thích ứng nhanh và nhạy bén với mọi sự biến đổi. Các lập trình viên cần nâng cao kỹ năng công nghệ của bản thân với sự hiểu biết về các công nghệ mới và đột phá như Cybersecurity, DevOps, AI và Machine Learning, Cloud Computing,...

Nhìn chung, khó khăn là vấn đề chung mà mọi người phải cùng vượt qua, nhất là trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang lan rộng hiện nay. Với tinh thần tỉnh táo và bản lĩnh trí tuệ, Việt Nam vẫn cho thấy được những tín hiệu khả quan trong sự tăng trưởng về kinh tế cũng như thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài, trong đó có cả lĩnh vực công nghệ thông tin.

TIN LIÊN QUAN