Trái với nhiều quốc gia cùng thời kỳ chỉ quan tâm đến lãnh thổ trên đất liền, thực hiện chính sách "cấm biển", "cấm xuất dương"; các triều đại phong kiến Việt Nam lại đặc biệt chú trọng đến biển, không chỉ nhằm khai thác hải sản và các nguồn lợi khác từ biển mà còn từng bước xác lập chủ quyền trên các hải đảo. Thậm chí có vị vua còn trực tiếp đi tuần thú ra biển để xem xét và người đầu tiên thực hiện việc đó là Lý Anh Tông, hoàng đế thứ 6 của triều Lý.
Lý Anh Tông tên thật là Lý Thiên Tộ sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136), con trưởng của Lý Thần Tông, mẹ là hoàng hậu Cảm Thánh - cháu của vua Lê Đại Hành. Ông là vị vua lên ngôi sớm nhất của triều Lý, ngày 01 tháng 10 năm Mậu Ngọ (1138) đăng quang làm hoàng đế, khi đó mới 2 tuổi, làm vua đến tháng 7 năm Ất Mùi (1175), tổng cộng ở ngôi 37 năm.
Trong thời gian tại vị, Lý Anh Tông rất quan tâm đến hoạt động xây dựng quốc gia và bảo vệ đất nước, ông đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn biển đảo.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, vào tháng 11 năm Tân Tỵ (1161), vua yêu cầu Thái úy Tô Hiến Thành “đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên bờ cõi xa”. Tiếp đến, năm Tân Mão (1171) “vua trực tiếp đi tuần ra cù lao ngoài biển, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của nhân dân và đường đi xa gần thế nào”.
Đến tháng 2 năm Nhâm Thìn (1172), “vua lại đi tuần ra cù lao ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Qua các lần đi này, vua Lý Anh Tông đã soạn cuốn sách lấy tên là “Nam Bắc phiên giới đề”. Tiếc là cuốn sách này nay đã thất truyền. Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục soạn vào thời nhà Nguyễn cũng cho biết điều này.
Tuy thông tin về các chuyến đi ra biển của Lý Anh Tông không được ghi chép chi tiết, cụ thể nhưng có thể thấy ông là vị lãnh đạo quốc gia đầu tiên của nước ta ngoài việc quan tâm đến việc giữ gìn biên cương trên bộ còn chú ý đến cả vùng hải đảo nên sách sử có đánh giá rằng “về mặt giữ dân, giữ nước, việc làm đáng khen” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Để bảo vệ vùng biển đảo, vua hạ lệnh cho đóng nhiều tàu với nhiều kích cỡ, tăng cường thực lực thủy quân và thường xuyên cho binh sĩ tập luyện. Cụ thể, năm 1151, ông cho đóng 2 chiếc thuyền hiệu Vĩnh Diệu, Thanh Lan; năm 1154, đóng thuyền Vĩnh Chương; năm 1167, đóng thuyền Nhật Long; năm 1173, đóng thuyền Ngoạn Thủy.
Không có nhiều tư liệu về thủy quân triều Lý, nhưng những gì còn thấy trong một số thư tịch cũng đủ khẳng định thủy quân triều Lý tuy không đông nhưng rất tinh nhuệ, giỏi thủy chiến. Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” có đoạn: “Thành Nam mở chốn võ tràng/ Tập tành cung ngựa phô trương tinh kỳ/ Uy danh dậy đến biên thùy/ Chiêm Thành, Ngưu Hống man di cũng bình”.
Thương cảng Vân Đồn cũng được thành lập vào thời vua Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (1149). Kể từ đó, Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hóa, thu thuế và căn cứ phòng vệ.
Vào các thời Lý - Trần, Vân Đồn có các khu định cư tương đối đông đúc, khu khai thác và sản xuất với nhiều di tích, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng… Trên thực tế, Vân Đồn trở thành thực thể phát triển tương đối hoàn chỉnh và hoạt động liên tục trong gần 7 thế kỷ (từ giữa thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 18).
Thương cảng Vân Đồn giữ vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng với sự phát triển kinh tế, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ bang giao của nước ta trong các thời đại Lý, Trần, Lê, Mạc.
Có thể nói những chuyến đi của Lý Anh Tông ra biển Đông cho thấy sức mạnh to lớn của thủy quân triều Lý và nghệ thuật cơ động, tác chiến tài tình. Không chỉ vậy, nó còn là sự cổ vũ thủy quân Đại Việt trong hoạt động thực thi nhiệm vụ tuần tra, giám sát; còn nhắc nhở ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của đất nước.