HNG dự định sẽ dùng 357 tỷ đồng cho mảng ớt. |
Sự đặt cược của “bầu” Đức
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) - công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chào bán 221.710 trái phiếu chuyển đổi trong tháng 6/2018. HNG kỳ vọng thu về hơn 2.200 tỷ đồng để phát triển tiếp các dự án trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, công ty chỉ bán được 220 triệu đồng.
Nhìn vào kế hoạch cụ thể của đợt phát hành, có thể thấy bầu Đức đã đặt cược tất cả niềm tin vào đây. HNG dự định sẽ dùng 780 tỷ đồng để phát triển mảng chuối và 357 tỷ đồng cho mảng ớt. Hơn 1.000 tỷ đồng còn lại dùng để tái cơ cấu tài chính. Tất cả các hoạt động quan trọng của công ty đều trông chờ vào một nguồn tiền duy nhất.
Quan trọng hơn, dù đang cần tiền nhưng bầu Đức vẫn đưa ra mức lãi suất trái phiếu là 0%. Lãi suất trái phiếu càng cao đồng nghĩa với rủi ro càng cao. Như vậy, thông qua mức lãi suất này, bầu Đức đang muốn cho nhà đầu tư thấy, đây là loại trái phiếu rất hấp dẫn.
Mô hình trồng cây ăn trái của bầu Đức từng được đánh giá sẽ đem lại hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận. Theo dự kiến của ông Đức, toàn bộ vườn trái cây của HNG sẽ vào mùa thu hoạch trong năm 2019, giúp doanh thu công ty tăng đột biến. Thời điểm chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu cũng vào năm 2019. Như vậy, nếu cổ đông mua trái phiếu sẽ được lợi lớn. Nhưng đó chỉ là dự tính của ông Đức.
Mô hình trồng cây ăn trái của bầu Đức từng được đánh giá sẽ đem lại hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận. |
Và niềm tin của cổ đông
Trái ngược với niềm tin của bầu Đức vào tương lai của HNG, cổ đông có nhiều lý do để lo lắng nên mua rất ít trái phiếu trong đợt vừa qua.
Trước hết, lợi nhuận của HNG trong những năm gần đây khá bấp bênh. Năm 2016, HNG lỗ gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017 khá hơn khi công ty đạt hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận ròng, nhưng phần lớn là do bán các công ty đường chứ không phải đến từ trái cây. Còn năm 2018 hiện tại, kế hoạch kinh doanh cũng khá khiêm tốn, lợi nhuận trước thuế HNG chỉ đạt khoảng 150 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 năm 2017.
Con số 150 tỷ đồng này quả thật khó làm hài lòng cổ đông. Ông Đức trình bày với cổ đông kế hoạch năm 2018 với doanh thu là 3.743 tỷ đồng và lợi nhuận trước gộp là 1.673 tỷ đồng. Con số lợi nhuận gộp chênh lệch khá lớn so với lợi nhuận trước thuế cho thấy, phần chi phí chung rất cao. Trong hai năm gần nhất là 2016 và 2017, hai khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và lãi vay của HNG là hơn 1.000 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng. Chi phí năm 2018 còn tăng cao hơn năm ngoái cho thấy, năng lực quản lý chi phí của HNG ngày càng kém hiệu quả.
Đáng lo ngại hơn là HNG đang gần như mất khả năng thanh toán ngắn hạn. Tỷ lệ tài sản ngắn hạn của HNG từ năm 2017 đến nay luôn nhỏ hơn khoản nợ ngắn hạn. Điều này khiến kiểm toán đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Ai sẽ cứu “bầu” Đức?
Để cứu công ty con, cổ đông thường trông chờ một phần hy vọng vào công ty mẹ. Nhưng hiện tại, tình trạng cổ phiếu HAG còn tệ hơn cả công ty con HNG.
Từ đầu năm 2017 đến nay, cổ phiếu HAG luôn giao dịch dưới mệnh giá. Hiện tại, giá trị mỗi cổ phiếu HAG mua chưa được nửa ổ bánh mì, tương ứng chưa đến 5.000 đồng. Để tự cứu mình, HAG đang tiến hành tái cơ cấu bằng việc bán bớt tài sản. Tuy nhiên, tài sản giá trị nhất của HAG là dự án bất động sản tại Myanmar và mảng cao su thì bầu Đức vẫn chưa bán được.
Một cổ đông lâu năm của HAG cho rằng, tình trạng bế tắc của HAG hiện nay bắt nguồn từ chiến lược kinh doanh chưa rõ ràng của bầu Đức. Ngay cả những hành động thực tế của ông Đức cũng “tiền hậu bất nhất”. Chẳng hạn tại đại hội cổ đông mới đây, cổ đông muốn biết các giải pháp tái cấu trúc cụ thể và khi nào làm xong, thì ông Đức chỉ trả lời vòng vo. Ngoài ra, dù đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu HAG, nhưng đến cuối kỳ hạn là 9/7/2018, ông chỉ mua 1 triệu cổ phiếu.
Theo giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư tại TP.HCM nhận xét, HAG sắp tới chỉ còn trông chờ sự giúp sức của các nhà đầu tư lớn, như quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư chiến lược. Tìm quỹ đầu tư có vẻ khó với HAG. Từ năm 2015 đến nay, các quỹ đều “bỏ chạy” khỏi HAG và chấp nhận bán lỗ cổ phiếu.
Trong nước đang có nhiều nhà đầu tư lớn hướng trọng tâm vào nông nghiệp. Đây có thể là hướng ra cho bầu Đức trong tương lai qua nhiều hình thức hợp tác, như góp vốn chẳng hạn. Sau khi ông Nguyễn Duy Hưng lấn sân mạnh vào nông nghiệp thông qua Tập đoàn PAN, nhiều đại gia khác cũng tiếp bước.
Những tên tuổi lớn hiện nay ngoài Phạm Nhật Vượng của Vingroup, còn có Trần Đình Long của Hòa Phát và Trần Bá Dương của THACO. Điểm chung giữa những đại gia này với bầu Đức là mối quan tâm về nông nghiệp công nghệ cao. Và biết đâu, sau đợt phát hành trái phiếu thất bại vừa qua, bầu Đức đã có toan tính riêng về những bước hợp tác mới. Hãy chờ xem tài xoay sở của bầu Đức lần này đến đâu.
Dương Nguyễn