“Vắng” Trầm Bê, Sacombank sẽ thế nào?

(NTD) - Sau khi ông Trầm Bê rút khỏi Sacombank, ngân hàng này vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của Sacombank trong năm 2016 vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc mua lại Southern Bank. Vấn đề mọi người quan tâm nhất chính là việc cổ đông nào đủ uy tín, năng lực tài chính và tâm huyết thay thế ông Trầm Bê để thực hiện tái cấu trúc Sacombank theo đúng định hướng của NHNN.

Gia đình họ Trầm rút khỏi Sacombank

Vào chiều 24/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Ông Trầm Bê (quê Trà Vinh) được biết đến là một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2004, ông tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank).

Năm 2012, ông bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của Southern Bank để tham gia HĐQT của Sacombank. Tại đây, ông giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Ngày 13/8/2015, NHNN đã đồng ý cho Southern Bank và Sacombank sáp nhập.

Trong công văn chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập 2 ngân hàng trên, NHNN công bố thông tin: Ông Trầm Bê hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã: STB) vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng Quản trị về kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017. Theo đó, Sacombank thống nhất chọn ngày 15/3/2017 là ngày đăng ký cuối cùng để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017. Thời gian tổ chức dự kiến diễn ra vào ngày 28/4/2017. Trong số các nội dung, ĐHĐCĐ sẽ thông qua nhiệm kỳ tiếp theo của HĐQT và Ban kiểm soát được tính từ năm 2017-2021.

Đặc biệt hơn, cũng tại công văn này, NHNN lưu ý: Ông Trầm Bê cam kết trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.

Đến ngày 12/11/2015, Sacombank đã công bố thông tin về việc ông Trầm Bê chính thức thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT thường trực tại ngân hàng này kể từ ngày 11/11/2015. Tuy nhiên, ông và con trai ông là Trầm Khải Hòa vẫn tiếp tục giữ chức Thành viên HĐQT của Sacombank từ đó đến nay.

Bên cạnh đó, con trai cả ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân đang nổi lên với tư cách là cổ đông cá nhân nắm giữ lượng cổ phiếu lớn nhất tại Sacombank.

Theo số liệu ngày 31/12/2016, ông Trầm Bê sở hữu 27.650.619 cổ phiếu, ông Trầm Trọng Ngân (con trai ông Bê) sở hữu 89.182.687 cổ phiếu, bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ông Bê) sở hữu 27.046.050 cổ phiếu, ông Trầm Khải Hòa (con trai) sở hữu 33.348.285 cổ phiếu, ông Lê Trọng Trí (con rể) sở hữu 2.067.853 cổ phiếu. Như vậy, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179.295.494 cổ phiếu, tương đương 9,94% vốn điều lệ của Sacombank.

 

Ông Trầm Bê đã chính thức rút lui khỏi Sacombank.

 

Sacombank cần cổ đông tâm huyết

Sacombank cũng vừa có báo cáo tài chính quý 4/2016. Theo đó, nếu tính cả năm 2016, doanh thu thuần của ngân hàng là 5.119 tỷ đồng, giảm 1.495 tỷ đồng so với năm 2015 (tương đương giảm 22,6%). Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Sacombank là 373 tỷ đồng giảm 773 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế năm 2015 (lợi nhuận sau thuế năm 2015 là 1.146 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank là 5,3%.

Còn mới đây, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã chỉ ra: Kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của Saconbank trong năm 2016 vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc mua lại Southern Bank.

Cũng theo SSI, Sacombank vẫn chưa giải quyết được vấn đề nợ xấu sau khi sáp nhập với Southern Bank và chất lượng tài sản đã trở nên xấu hơn. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,3% vào cuối năm 2016, mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết cũng như mức trung bình của toàn ngành.

Năm 2016 là năm khá đặc biệt của Sacombank khi ngân hàng này không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên.

NHNN chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 (dự kiến vào ngày 28/4 tới) để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động của Sacombank, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.

 Mai Trinh

 

 
Nên đọc