3 kịch bản cho Vải thiều vụ mùa COVID-19
Khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát và lan rộng ở Bắc Giang, biện pháp phong tỏa, cách ly đã được áp dụng ở tỉnh này thì một lần nữa nỗi lo và bài học chuỗi tiêu thụ nông sản bị đứt gãy ở Hải Dương trong đợt dịch thứ 3 vừa qua đã được nhắc lại.
Bắc Giang là tỉnh ở nhóm đầu các tỉnh về sản xuất nông nghiệp trong cả nước nên sản lượng nông sản hàng hóa cần tiêu thụ rất lớn. Đặc biệt trong đó có vải thiều – một loại quả có thời vụ ngắn và không để được lâu.
Năm 2021, trên toàn tỉnh Bắc Giang có 28.100 ha trồng vải thiều và ước sản lượng vụ này đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: phải cứu vải thiều.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế ban hành quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các vùng có dịch, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản ở Bắc Giang và ở các vùng có dịch và trên cả nước.
Là một địa phương không may mắn có dịch bùng phát mạnh nhưng từ kinh nghiệm rút ra qua các lần dịch trước, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng Kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19, với 3 kịch bản, ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết.
Kịch bản 1: Dịch bệnh covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi, sản lượng tiêu thụ 50% nội địa, 50% xuất khẩu;
Kịch bản 2: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trong tầm kiểm soát, sản lượng tiêu thụ là 70% tiêu thụ nội địa và 30% xuất khẩu;
Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu “nhỏ giọt”, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa, chiếm 90%, xuất khẩu 10%.
Bắc Giang không chỉ có vải thiều. tỉnh này hiện còn khoảng 465 ha rau chưa thu hoạch, sản lượng trên 8.000 tấn. Do huyện đang bị cách ly do dịch bệnh Covid-19 nên khó khăn trong vận chuyển tiêu thụ được bên ngoài huyện. Trong tỉnh còn có 700 ha dứa với tổng sản lượng 13.000 tấn và 400 ha với 8.800 tấn dưa…
Theo ghi nhận của phóng viên trên địa bản tỉnh Bắc Giang, để bảo đảm sức khỏe người dân và chất lượng sản phẩm, Bắc Giang đã cách ly tất cả F1 ra ngoài vùng vải và vận động người dân trong vùng trồng vải không ra khỏi địa bàn. Các tổ chốt kiểm soát phòng dịch Covid 19 vào vùng vải thiều đã được lập.
Đồng thời kiểm tra y tế các mã vùng trồng, cấp chứng nhận cho sản phảm, khử khuẩn nơi sản xuất, sơ chế và phương tiện vận chuyển, xét nghiệm cho các chủ vườn, người lái xe, người lao động, người đến thu mua…
Để tiêu thụ vải và các mặt hàng nông sản trong nước, tỉnh Bắc Giang đã qua Bộ Công Thương kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ với các hệ thống phân phối bán lẻ, các Tập đoàn, siêu thị lớn: Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Vinmart&Vinmart+, Aeon, Lotte, Sai Gon Coop … và các chợ đầu mối nông sản, hoa quả ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố.
Tỉnh cũng phối hợp với Bộ Công Thương làm việc với các sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều và các nông sản khác và sẽ tổ chức gian hàng bán vải thiều trên sàn Alibaba. Đồng thời hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử.
Tỉnh đề nghị Bộ Công Thương và với tất cả các Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia xuất khẩu vải thiều để kết nối, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều được thuận lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tính đến ngày 25/5/2021, sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 1.988 tấn, tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, TPHCM, Đà Nẵng… Giá vải thiều trong nước từ 20.000 đ/kg - 35.000 đ/kg.
Vải xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn rất thuận lợi, xuất đi qua luồng xanh - luồng ưu tiên và được Ban Quản lý của khẩu cử cán bộ làm trước giờ hành chính, tạo điều kiện làm các thủ tục thông quan trước cho quả vải trước các loại hàng hóa khác.
8 giờ sáng ngày 26/5/202, những lô vải đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản với số lượng 15.000 tấn đã xuất hành. Lô vải xuất ngoại này qua 3 doanh nghiệp là Công ty Ameii Việt Nam; Công ty Chánh Thu và Công ty Toàn Cầu xuất đi qua đường hàng không.
15.000 tấn vải xuất khẩu sang Nhật này đã được Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn và các bên liên quan đã hoàn tất các công tác chuẩn bị (sơ chế, khử trùng, đóng gói, kiểm dịch... ) từ ngày 25/5/2021.
Tại lễ xuất hành Vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên ông Nguyễn Viết Toàn, khẳng định chất lượng vải thiều sớm Tân Yên tốt nhất từ trước đến nay, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không bị tác động COVID-19.
Các vùng vải thiều đã được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng các yêu cầu của phía Nhật Bản.
Tân Yên sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân để tiêu thụ vải thiều an toàn. Bắc Giang sẽ cấp giấy xác nhận cho những lô vải thiều an toàn dịch bệnh.
Để vải thiều, dưa, dứa hay rau của Bắc Giang, nông sản của các vùng có dịch bệnh khác không phải “giải cứu” mà được tiêu thụ tốt, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang kiến nghị với Thủ tướng có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho nông sản Bắc Giang được lưu thông, tiêu thụ khi bảo đảm các điều kiện an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ Công Thương làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị không chỉ riêng Bắc Giang mà bất cứ bất kỳ tỉnh, thành phố nào có dịch đều phải tuân thủ đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản của vùng có dịch.
Bộ Công Thương và Bộ Y tế sẽ ban hành quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các vùng có dịch.
Với chỉ đạo của Thủ tướng và sự chủ động sớm của Bắc Giang và quy trình tiêu thụ hàng hóa vùng dịch được đưa ra với sự phối hợp của các bộ, chuỗi sản xuất- cung ứng- tiêu thụ không bị đứt gãy và hưởng ứng cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chắc hẳn vải thiều và nông sản sẽ được tiêu thụ an toàn. Đây cũng sẽ là kinh nghiệm cho việc tiêu thụ nông sản, không để nông sản nào nữa phải kêu gọi giải cứu.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).