Tuyến đường hơn 4.800 tỷ nối tới một trong hai sân bay lớn nhất Việt Nam sắp được mở rộng thêm 1km

Theo thông tin từ chủ đầu tư, gói thầu số 10 hiện đã hoàn thành 85% khối lượng công việc và dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng tới.

Theo thông tin từ ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP. HCM, chủ đầu tư của dự án cho biết, đoạn đường sắp được thông xe thuộc gói thầu số 10 - một trong những gói thầu xây lắp quan trọng nhất của dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa với tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng đang triển khai tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Gói thầu này bao gồm các hạng mục chính như xây dựng đường, tường chắn, vỉa hè và hệ thống thoát nước với tổng chiều dài hơn 1km.

Cụ thể, đoạn từ nút giao Thăng Long - Phan Thúc Duyện đến đường 18E dài hơn 600m và khoảng 500m từ đường 18E dẫn ra đường Cộng Hòa.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ được mở thêm 1km

Theo ông Phúc, gói thầu số 10 hiện đã hoàn thành 85% khối lượng công việc và dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng tới.

Sau khi đi vào khai thác, đoạn đường này sẽ kết nối với hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (gói thầu số 9 đã hoàn thành), tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện di chuyển ra đường Cộng Hòa và góp phần giảm áp lực giao thông tại vòng xoay Lăng Cha Cả cũng như giao lộ Phan Thúc Duyện - Thăng Long.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được khởi công vào cuối năm 2022 nhằm mục tiêu kết nối ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất giải quyết tình trạng độc đạo hiện tại của lối ra vào sân bay chỉ qua đường Trường Sơn.

Toàn tuyến có chiều dài khoảng 4km, điểm đầu tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện và điểm cuối tại giao lộ giữa các đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh.

Công trình gồm tuyến đường chính rộng từ 25-48m, phục vụ 6 làn xe cùng hai tuyến đường nhánh kết nối với quy mô 3-4 làn xe. Trên tuyến còn có một cầu cạn xây dựng phía trước ga T3 và hai hầm chui tại các nút giao ở hai đầu tuyến.

Theo chủ đầu tư, tiến độ chung của dự án hiện đã đạt gần 80%. Tuy nhiên, đoạn cuối tuyến phía đường Trường Chinh đang gặp khó khăn về mặt bằng, do vướng một số hộ dân và tường rào của Công ty Dệt May 7, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

TP. HCM đang kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm giải quyết vướng mắc này nhằm đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm nay.

Sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, sân bay Tân Sơn Nhất chính là một trong hai sân bay lớn nhất Việt Nam với diện tích 1.500ha, được quy hoạch trở thành trung tâm kết nối giao thông trong và ngoài nước.