Vật liệu xanh thường phải được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và độ bền. Ảnh minh họa.
Chuyển đổi xanh đang được xem là xu thế tất yếu của nhân loại. Theo tính toán, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức chỉ tăng 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt mức này, thế giới cần giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt Net Zero vào năm 2050. Trong đó, mô hình sản xuất vật liệu xây dựng xanh như một công cụ thiết thực giúp doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững.
Vật liệu xanh thường phải được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, đảm bảo rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và độ bền. Các vật liệu này thường được thiết kế để chịu được các điều kiện khắc nghiệt và khả năng chịu tải lớn giúp làm tăng tuổi thọ của các công trình xây dựng và giảm nguy cơ sự cố xảy ra.
Xét về mặt lợi ích, các loại vật liệu xây dựng xanh có nhiều ưu điểm vượt trội. Cụ thể, việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh giúp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại biến đổi khí hậu. Vật liệu xây dựng xanh còn giúp tận dụng nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp khác, đồng thời nguồn vật liệu xây dựng xanh sau khi sử dụng cũng dễ dàng tái chế, giúp cho ngành xây dựng và các ngành khác phát triển bền vững, đây cũng là giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Hơn nữa, sử dụng vật liệu xây dựng xanh còn góp phần cải thiện môi trường sống.
Mặc dù bước đầu nhận được những hiệu quả tích cực, nhưng vật liệu xanh lại chưa được sử dụng một cách rộng rãi, bởi trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng loại vật liệu này đang gặp một số khó khăn như chi phí vật liệu xây dựng tốn kém, hay người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm đến sản phẩm mình sử dụng có thân thiện với môi trường hay không...
Năm 2022, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Kế hoạch nêu rõ, ngành xây dựng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2030, hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải carbon thấp cho các sản phẩm vật liệu xây dựng (xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng) và vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng và công nghiệp. Đến năm 2030, 25% vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh. Đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải cac-bon thấp.