Căn cứ Khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai 2024 quy định, đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trên dự án đầu tư.
Trong trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Ngoài ra, Khoản 9 Điều 81 Luật Đất đai 2024 cũng quy định những trường hợp được quy định tại các Khoản 6, 7 và 8 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp bất khả kháng.
Luật Đất đai 2024 đã quy định chế tài cụ thể và phù hợp hơn so với Luật Đất đai 2013 đối với các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất và tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc khi thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư.
Mặc dù vậy, Chính phủ cũng cần quy định cụ thể trong các nghị định triển khai thi hành một số trường hợp bất khả kháng; nên xem xét phân cấp cho tỉnh xác định các trường hợp bất khả kháng đối với từng dự án cụ thể nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư.
Hiện tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 mới chỉ quy định như sau: "Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định về các trường hợp bất khả kháng của pháp luật và thực tế triển khai các dự án đầu tư nhằm xác định thời gian bị ảnh hưởng của trường hợp bất khả kháng đối với các dự án thuộc địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...".