TS Trần Du Lịch: Cần khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp

(CL&CS)- Theo TS Trần Du Lịch, nếu nguồn vốn thông được thì các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, vật liệu, xây dựng… sẽ được hưởng lợi và nền kinh tế nhận hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Còn lại là mỗi doanh nghiệp phải tự có bài toán của mình để có thể tồn tại, vượt qua khó khăn ở thời điểm này.

Nếu nguồn vốn thông được thì các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, vật liệu, xây dựng… sẽ được hưởng lợi và nền kinh tế nhận hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Ảnh: (minh họa)

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động kép, cả từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế. Tình trạng lạm phát cao, tăng lãi suất, gián đoạn chuỗi cung ứng - xăng dầu, căng thẳng địa chính trị… khiến nền kinh tế thế giới được dự báo có chiều hướng suy giảm kể từ quý 4/2022 và năm 2023.

Bối cảnh này đã tác động khá rõ tới Việt Nam, khi ngành dệt may, da giày thiếu đơn đặt hàng, nhiều doanh nghiệp giảm lao động, cho nghỉ Tết sớm.

Còn bên trong nền kinh tế, các biện pháp Chính phủ tiến hành để lành mạnh hóa, xử lý bất cập thị trường tài chính đã khiến thị trường nhất thời bị ảnh hưởng, dòng vốn bị ngưng trệ.

"Do thị trường đang bị ngưng trệ, các kênh dẫn vốn bị tắc nghẽn nên tiền không được đưa vào kinh doanh, không tạo thành vốn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang trong bối cảnh như thửa ruộng khô do không có nước, nhưng thực tế có một hồ nước mênh mông ở gần đó. Mấu chốt là kênh dẫn từ hồ nước vào ruộng đang bị nghẽn", Tiến sĩ Trần Du Lịch ví von.

Để giải bài toán về những trục trặc trên thị trường hiện tại, có nhiều đề xuất được đưa ra, như giải pháp nới hạn mức tín dụng thêm 1%, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng sẽ được bơm thêm ra thị trường. Tuy nhiên, nếu vốn chảy không đúng chỗ thì tình hình sẽ càng thêm khó khăn.

Do vậy, theo vị chuyên gia này, giải ngân đầu tư công là giải pháp then chốt ở thời điểm này để thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Nếu kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021-2025 diễn ra đúng tiến độ, sẽ là kênh tạo vốn rất mạnh cho thị trường.

Cũng theo TS Trần Du Lịch thì hồ nước mênh mông chưa khai thác được ở đây là vốn đầu tư công. Nếu kênh này thông được thì các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, vật liệu, xây dựng… sẽ được hưởng lợi và nền kinh tế nhận hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Còn lại là mỗi doanh nghiệp phải tự có bài toán của mình để có thể tồn tại, vượt qua khó khăn ở thời điểm này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM cho rằng, nhiều doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính quá lớn, khi thị trường thay đổi và đã không kịp trở tay.

Theo ông Thanh, để xử lý điểm nghẽn này, bản thân doanh nghiệp phải tự xem lại, tái cấu trúc doanh nghiệp, chấp nhận bán tài sản, sáp nhập để vượt qua khó khăn. Thay vì chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp nên tự tìm cách để "cứu" lấy mình.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao việc quản trị rủi ro, quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch báo cáo tài chính…

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng dây chuyền từ nhiều vấn đề đến cùng lúc không thể dự báo trước như xung đột chính trị, giá nhiên liệu tăng, lạm phát thế giới,... Tuy nhiên, nền kinh tế có sức khỏe nội tại.

Ông Dominic Scriven cho biết thêm, khó khăn trước mắt chỉ nhất thời, vấn đề là xử lý điểm nghẽn vốn.

Theo đại diện Dragon Capital, Việt Nam vẫn đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Điều này thể hiện rõ hơn trên thị trường chứng khoán. Trong đợt sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 400 triệu USD, nhiều nhất trong năm nay. Có lẽ, họ nhìn thấy cơ hội hấp dẫn ở thị trường này.

TIN LIÊN QUAN