“Trợ lực” giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Với các quy định thông thoáng về sở hữu nhà ở đối với Việt kiều trong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, kiều hối đang được kỳ vọng là trợ lực tạo dòng tiền cho thị trường bất động sản (BĐS).

Ảnh minh họa.

Theo Savills Việt Nam, pháp luật Việt Nam đến nay đã có nhiều quy định cho Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam, song do thủ tục giấy tờ phức tạp, khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng hoặc lựa chọn giải pháp nhờ người thân đứng tên khi mua BĐS trong nước. Thực tế này đã dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng khi có biến cố xảy ra giữa các bên liên quan.

“Cởi trói” vấn đề này, Luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội thông qua hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 (sớm 5 tháng so với dự kiến) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, đáng chú ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều. Cụ thể, Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài...

Như vậy, hành lang pháp lý mới, rõ ràng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều đầu tư. Đồng thời, việc mở rộng đối tượng tham gia giao dịch nhà đất cũng giúp thu hút thêm kiều hối - nguồn vốn từ nước ngoài ngày càng trở thành quan trọng của Việt Nam, bên cạnh FDI.

TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, hành lang pháp lý mới với các quy định rõ ràng, thông thoáng, cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà tại Việt Nam, kéo theo dòng kiều hối vào thị trường BĐS. Để thu hút nguồn lực này, các cơ quan quản lý Nhà nước ngoài việc thúc đẩy thực thi Luật Đất đai, cần tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, viễn thông và các dịch vụ công cộng khác để tăng tính cạnh tranh cho thị trường BĐS; đồng thời, cần giảm thuế hoặc miễn thuế đối với Việt kiều đầu tư vào BĐS.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS cần hợp tác với các đại lý BĐS và môi giới có uy tín trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm, giới thiệu khách hàng tiềm năng, cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng như quản lý tài sản, bảo dưỡng, sửa chữa, giúp Việt Kiều yên tâm đầu tư.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ và khoảng 650.000 lao động xuất khẩu Việt Nam đang hoạt động tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây luôn duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới, đạt trên 190 tỷ USD, riêng năm 2023, lượng kiều hối cả nước ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. Đáng chú ý, ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được “gửi gắm” vào thị trường BĐS.

Còn theo Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về nước đầu tư kinh doanh thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với dòng vốn FDI, lượng kiều hối gửi về đã góp phần tăng dòng ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu trong nước, bổ sung nguồn lực duy trì chính sách tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối, thúc đẩy đà tăng trưởng của các ngành kinh tế, trong đó có ngành BĐS đang “khát vốn”.

Theo các chuyên gia BĐS, trong dài hạn, dòng kiều hối sẽ là nguồn cầu mạnh mẽ giúp thị trường phát triển, hướng tới phân khúc sản phẩm căn hộ ở khu vực trung tâm, có thể khai thác vận hành cho thuê hay phân khúc biệt thự cao cấp tại các đô thị lớn và các sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng phù hợp với khả năng chi trả của Việt kiều.

TIN LIÊN QUAN