Kết quả bước đầu…
Thông tin tại Hội nghị toàn quốc về công tác lập quy hoạch hôm 19/8, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai đồng bộ Luật Quy hoạch, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 73 luật, pháp lệnh có liên quan. “Có thể nói, hành lang pháp lý cần thiết để triển khai công tác quy hoạch thời kỳ mới đã cơ bản đầy đủ và đồng bộ...”- Bộ trưởng khẳng định.
Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch
Tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban trên cơ sở nâng cấp, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng quy hoạch quốc gia. Việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch là để chỉ đạo, đôn đốc và phối hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trong việc triển khai lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Sau hơn 2 năm có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2019), Bộ KH&ĐT đánh giá, việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Theo báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 01/06 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập và trình thẩm định; các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.
Về quy hoạch quốc gia, Bộ KH&ĐT đã trình và được Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, hiện đang tổ chức hoàn thiện Khung định hướng quy hoạch quốc gia, dự kiến trình Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, thông qua vào tháng 10/2021. Song song với quá trình đó, Bộ cũng đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch, phấn đấu trình Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6/2022, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình và được Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch. Hiện các quy hoạch này đang được tổ chức lập để trình Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Quốc hội phê duyệt.
Về Quy hoạch ngành quốc gia, các bộ, ngành đã lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 36/38 nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia. Trên cơ sở đó, các Bộ đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó, đã hoàn thành công tác thẩm định 05 quy hoạch , đang trình thẩm định 02 quy hoạch. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có thêm 12 quy hoạch ngành quốc gia được lập xong và trình thẩm định theo quy định.
Đối với quy hoạch vùng, Bộ KH&ĐT đã lập xong quy hoạch vùng ĐBSCL và đã trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tại Tờ trình 663/TTr-BKHĐT ngày 05/02/2021 để tiến hành thẩm định theo quy định. Về quy hoạch của các vùng còn lại, sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030, giữ nguyên phương án 06 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tổ chức triển khai xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng còn lại, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2021.
Về việc triển khai lập quy hoạch tỉnh, đến nay, đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, còn 02 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, UBND các tỉnh, thành phố đang triển khai lập quy hoạch tỉnh, trong đó, đã hoàn thành thẩm định 02 quy hoạch của tỉnh Bắc Giang và Hà Tĩnh, tiếp tục hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 05 tỉnh đang trình hồ sơ thẩm định là Thanh Hóa, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lai Châu và Lào Cai. Dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ có thêm 19 địa phương lập xong quy hoạch tỉnh, gửi xin ý kiến và trình thẩm định theo quy định…
Khó cùng phải làm!
Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lập quy hoạch là công việc rất khó, bởi yêu cầu phải tích hợp các loại quy hoạch thành một mối, đồng thời phải vạch ra con đường phát triển dài hạn cho địa phương, ngành, cho vùng, quốc gia. “Tuy nhiên, dù khó, vẫn phải thực hiện để xử lý hiện trạng Việt Nam quá nhiều loại quy hoạch, trong đó có nội dung chồng chéo, cát cứ, mâu thuẫn nhau…”- Bộ trưởng khẳng định và cho biết, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.
Riêng quy hoạch Tỉnh được lập tích hợp theo quy định của Luật Quy hoạch sẽ thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn từng tỉnh trước đây, bao gồm quy hoạch sử dụng đất tỉnh, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch giao thông tỉnh... “Đây là công việc lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, có nhiều thách thức và cơ hội lớn”- Bộ trưởng nhận định.
Theo Bộ trưởng, các công việc trên đòi hỏi và dẫn đến sự-thay đổi về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường và phương thức quản lý nhà nước, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp đồng bộ liên ngành, liên cấp và tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng hơn. Các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tạo ra các điều kiện kinh doanh bị hết hiệu lực, sẽ phải thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành được thực hiện minh bạch, công khai, chuẩn mực.
“Chính vì vậy, quá trình lập quy hoạch theo Luật quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, giữa kiến thức, kinh nghiệm của cả cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch…”- Bộ trưởng nhấn mạnh.