Thông tin tại họp báo thường kỳ quý IV/2020 của Bộ Xây dựng vừa qua, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ Xây dựng đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến các đơn vị liên quan để sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ; hoàn thiện giải pháp và cố gắng trong năm 2021 sẽ có hành lang pháp lý về cơ bản.
Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, sau khi đã có hành lang pháp lý cơ bản, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa Luật Nhà ở để có hành lang pháp lý rộng hơn, từ đó thúc đẩy công tác tái thiết, cải tạo các chung cư cũ.
Bộ Xây dựng có văn bản trả lời kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng và thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung và Đề án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, nguy hiểm trên địa bàn.
Mật độ xây dựng hầu hết tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Trong khi đó, hệ thống kỹ thuật nói chung ở các chung cư đều cũ nát, đặc biệt hệ thống cấp nước do dân tự cải tạo thành mạng lưới đường ống chằng chịt trên mặt nhà, rất mất mỹ quan.
Đáng lo ngại là hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, đã dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Mặc dù là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân nhưng công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là vấn đề không đơn giản.
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, có ba khó khăn lớn trong cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ. Đó là quy hoạch hạn chế chiều cao; mật độ các công trình nội đô, nguồn lực trong việc tái định cư cho người dân và việc sở hữu chồng chéo của người dân tại các chung cư cũ.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, đang nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự kiến trình Chính phủ ban hành vào Quý II/2021. Vì vậy, các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của thành phố Hà Nội nêu trong Đề án, Bộ Xây dựng ghi nhận để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong Nghị định.
Trong những năm qua, cải tạo chung cư cũ luôn là "vấn đề nóng" thu hút sự quan tâm của xã hội. Cùng với việc đầu tư xây dựng các khu chung cư mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà ở của người dân thì các cấp chính quyền cũng tập trung giải bài toán về công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng tại các đô thị nhằm bảo đảm điều kiện sống an toàn cho người dân đồng thời cải tạo, chỉnh trang lại bộ mặt đô thị.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đã có từ hơn 20 năm qua nhưng thực tế đến nay, TP. Hà Nội mới chỉ kêu gọi được 20 chủ đầu tư làm các dự án cải tạo và xin phê duyệt 23 khu trong tổng số 60 khu chung cư tại Hà Nội.
Theo ông Nghiêm, việc cải tạo chung cư cũ phải được thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Do vậy, trong nội đô các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Nhưng hầu như các chủ đầu tư lại yêu cầu phương án xây cao tầng, bởi như vậy mới có lãi. Thứ hai là việc đền bù giải phóng mặt bằng và việc tái định cư tại chỗ. Một khó khăn khác từ chủ đầu tư là việc đàm phán với người dân. Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Trong khi đó, nhiều chủ hộ không đồng thuận do khúc mắc về hệ số đền bù. Cuối cùng là việc quy hoạch và quản lý sau cải tạo chung cư.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chuẩn bị kế hoạch vốn để lập quy hoạch các khu chung cư cũ bằng nguồn ngân sách…
Hồng Liên