Tại Chi nhánh Công ty CP Môi trường Thiên Thanh - Nhà máy xử lý chất thải nguy hại Vĩnh Tân, địa chỉ: Ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với Công ty CP Dịch vụ Đông A thực hiện 25 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 về việc buộc tiêu hủy 7.512 đơn vị sản phẩm hàng hóa.
Hàng hóa vi phạm bao gồm quần áo họa tiết rằn ri, quần áo thời trang, giày dép, dược phẩm, thuốc phòng chữa bệnh, thực phẩm, phụ tùng xe máy, dụng cụ cầm tay.v.v… các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; quần áo giả mạo các nhãn hiệu Zara, Gucci, Louis Vuitton, máy khoan, lưỡi cắt giả mạo nhãn hiệu Bosch; 600 bánh Trung thu trứng chảy không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổng trị giá hàng tiêu hủy: 321.953.000 đồng.
Tại Nhà máy Công ty Cổ phần Môi Trường Việt Úc, tại Lô B4-B21, B5-B20, đường số 9, KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, Đội Quản lý thị trường số 12 đã giám sát việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu hủy hàng hóa đối với 3.886 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, có tổng trị giá 191.281.000 đồng thuộc 16 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12 ban hành.
Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy là nón, giày dép, quần áo, túi xách, thức ăn chăn nuôi, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, thực phẩm… là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel, Nike, Dior, Porsche, Burberry, Adidas….
Đồng thời, trong đợt này Đội Quản lý thị trường số 12 đã giám sát tiêu hủy 200 cái bánh Trung thu trứng chảy hiệu KK LAVA CUSTARD loại 50g/cái, ngày sản xuất 14/08/2023, hạn sử dụng 60 ngày là hàng hóa trong vụ việc kiểm tra vào đầu tháng 8 năm 2023 trên địa bàn quận Gò Vấp và 436 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu là hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu. Các sản phẩm thực phẩm và thuốc lá điện tử nêu trên đều không có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Cùng ngày, tại Chi nhánh Môi trường Đô thị Sài Gòn - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, địa chỉ: số 150 Lê Đại Hành, Phường 7, Quận 11, TP.HCM, Đội Quản lý thị trường số 5 đã thực hiện giám sát buộc tiêu hủy hàng hóa đối với 2.068 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, có tổng trị giá 180.690.000 đồng thuộc 10 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 ban hành. Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy gồm 2.068 sản phẩm, bao gồm: quần áo, vải, mỹ phẩm, trang sức và hóa chất các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng và hàng hoá giả mạo các nhãn hiệu Burberry, Louis Vuitton, Hermes, Chanel..
Trước đó, vào ngày 14/9/2023, tại Công ty Môi trường Đô thị Sài Gòn, địa chỉ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, Đội Quản lý thị trường số 9 cũng đã thực hiện giám sát tiêu hủy hàng hóa đối với 7.800 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, có tổng trị giá 348.236.000 đồng thuộc 38 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 9 ban hành. Trong số 7.800 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy lần này có 3.894 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thực phẩm nhập lậu; 2.951 đơn vị sản phẩm là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 955 đơn vị sản phẩm là túi xách, dép, gọng kính, quần áo các loại giả mạo các nhãn hiệu Chanel, Nike, Louis Vuitton…
Đối với phương thức tiêu hủy được áp dụng là cán, hủy hình dạng ban đầu và đốt hủy trực tiếp trong lò đốt ở nhiệt độ cao, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường. Toàn bộ quá trình tiêu hủy hàng hóa có sự giám sát chặt chẽ của Cục Quản lý thị trường TP.HCM và các lực lượng chức năng phối hợp.
Việc thực hiện tiêu hủy hàng hóa vi phạm là một trong những hoạt động thường xuyên của Cục Quản lý thị trường TP.HCM trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng kém chất lượng trên địa bàn TP.HCM.
Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi; nạn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,... với nhiều chủng loại vẫn còn được quảng cáo, giới thiệu, trưng bày, bày bán công khai trên môi trường thương mại điện tử và thị trường kinh doanh truyền thống chưa được đẩy lùi, đặc biệt nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam và tình hình tập kết hàng hóa tại các kho hàng, điểm chứa trữ trong các tháng cuối năm cũng hoạt động mạnh hơn. Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân TP.HCM; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, công an và các lực lượng chức năng khác có liên quan tại địa phương, tập trung giám sát, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và các kho bãi, điểm chứa trữ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các nhóm hàng hóa trọng tâm, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa và thương mại điện tử.