Theo Sở Công Thương, tính đến tối 7/7, TPHCM đang có 111 chợ, 106 siêu thị và 2.616 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, phục vụ người dân.
Theo đó, có 4 quận tại TP.HCM không còn chợ nào hoạt động là quận 3, 7, Bình Tân và Tân Phú. Tất cả các quận, huyện, thành phố đều có số lượng siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang hoạt động khá nhiều và phân bố rộng khắp.
Ngoài ra, danh sách các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được cung cấp đầy đủ thông tin như tên, địa chỉ, phường xã, thời gian mở cửa, tên và số điện thoại người liên hệ. Đặc biệt, ở các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi như Vinmart, Vinmart +, Bách Hoá Xanh, Co.op Food,... đều có thêm thông tin liên lạc để giao hàng trực tuyến.
Trong danh sách Sở Công Thương cung cấp, người dân có thể biết được chính xác tên điểm bán, địa chỉ, số điện thoại - website đặt hàng trực tuyến… Thậm chí, các siêu thị có thương hiệu còn ghi đầy đủ số điện thoại của người phụ trách để người dân tiện liên lạc, mua sắm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết việc cung cấp thông tin cụ thể về địa điểm các, thời gian hoạt động, thông tin liên lạc, hình thức giao hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tìm kiếm thông tin mua sắm trong bối cảnh nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đóng cửa.
Trong cuộc họp chiều ngày 7/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng khẳng định thành phố không lo thiếu thực phẩm. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi siêu thị quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.
Trước việc "hàng loạt" khu chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngừng hoạt động khiến giá cả một số mặt hàng đã tăng từ 10-15% so với trước.
"Những ngày qua, một bộ phận người dân "đổ xô" đi mua thực phẩm dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ trong quá trình cung ứng. Việc nhiều người cùng tập trung mua sắm một lúc sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ trong khoảng thời gian ngắn", ông Vũ nói.
"Người dân không cần phải lo lắng về việc thiếu hụt hàng hóa, bởi nguồn cung của các siêu thị, cửa hàng, chợ rất dồi dào. Thành phố cũng đã vận hành chương trình bình ổn giá nhiều năm qua, nên dù có biến động thì giá cả hàng hóa vẫn sẽ luôn ổn định", ông Vũ chia sẻ.
Bên cạnh việc đóng cửa nhiều chợ, siêu thị để phòng dịch, TP.HCM cũng đã cho hoạt động lại một số chợ dân sinh, siêu thị. Chợ sẽ chỉ mở lại các quầy hàng thiết yếu, tiểu thương bán hàng có vách che, các siêu thị mở cửa trở lại cũng phải đảm bảo nguyên tắc phòng dịch.
Ngoài ra, Sở Công Thương yêu cầu các siêu thị kéo dài thời gian hoạt động đảm bảo thời gian mua sắm của người dân. Các quận, huyện cũng đã họp thống nhất bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ thay cho người già bằng lực lượng hội phụ nữ, hội thanh niên của địa phương.