Ngày 20/7, tại TPHCM chính thức khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện có tên là Tâm Sinh Nghĩa. Nhà máy nằm tại huyện Củ Chi, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Đây là dự án do Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy làm chủ đầu tư sau khi họ mua lại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa - chủ dự án trước đây.
Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa được cấp phép và đầu tư theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1, công suất đốt rác 2.000-2.600 tấn, phát điện 60 MW/ngày, có vốn đầu tư dự kiến 6.400 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 công suất 6.000 tấn rác/ngày, vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 3 là 8.600 tấn rác/ngày và vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, công trình gồm các hạng mục như lò đốt phát điện rác, nhà điều hành, khu vực nhà ăn, nhà nghỉ của nhân viên...
Nhà máy đốt rác sẽ áp dụng công nghệ hiện đại. Rác sau khi đốt sẽ tạo nhiệt lượng chuyển hóa thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác có thể làm vật liệu xây dựng.
Phía chủ đầu tư cho biết lượng nước thải phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy sẽ được thu gom, xử lý khép kín, tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc. Khí thải và tro sản sinh trong quá trình đốt rác cũng được xử lý để không gây mùi hôi, ô nhiễm không khí.
Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. TP.HCM là thành phố đông dân nhất Việt Nam. Chính vì thế lượng rác thải rất lớn. Thống kê năm 2023 cho thấy lượng rác thải sinh hoạt ở TP.HCM là 9.800 tấn/ngày, thời điểm lễ tết lên đến hơn 11.000 tấn/ngày.
Trước đó, rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Biện pháp này không được đánh giá cao bởi gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí vì mùi hôi phát tán.
Chính vì thế, việc xử lý rác thải đô thị luôn là vấn đề cấp bách, cần phải giải quyết sớm để đảm bảo đời sống cho người dân. Tính đến nay, TP.HCM vẫn chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào, nhà máy Tâm Sinh Nghĩa hy vọng sẽ giúp giảm ô nhiễm thành phố.