Tòa nhà trăm mái 99 tuổi có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam: Tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô, là 'ngôi nhà ngoại giao' tiếp nhiều lãnh đạo quốc tế quan trọng

Đây là công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc.

Tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao, hay còn gọi là tòa nhà trăm mái tọa lạc giữa ngã tư Chu Văn An, Điện Biên Phủ đến Tôn Thất Đàm, ở giữa nối thẳng với quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây được xem là một trong những tòa nhà có kiến trúc đẹp nhất ở Hà Nội.

Theo các nhà nhiên cứu, đây là tòa nhà trăm mái duy nhất ở Hà Nội cũng như ở Việt Nam. Tên gọi này xuất phát từ nét đặc trưng nổi bật của tòa nhà là nhiều mái ngói đỏ, khoảng 100 mái. Công trình do kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928 theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương. Ban đầu, tòa nhà là Sở Tài chính Đông Dương.

Trụ sở Bộ Ngoại giao thời xưa mang tên Sở Tài chính Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

Mặc dù về mặt tổ chức mặt bằng, không gian, chức năng hoàn toàn theo phong cách kinh điển của các toà nhà hành chính ở Pháp lúc bấy giờ, nhưng về mặt xử lý kiến trúc, tác giả đã khéo léo kết hợp các chi tiết kiến trúc phương Đông.

Hệ mái ngói của tòa nhà. Ảnh: Báo Dân Trí

Kiến trúc phương Đông nhìn thấy rõ ở hệ mái ngói nhiều lớp kiểu, đặc biệt là mái lớn ở khối trung tâm mặt đứng chính cùng với lớp mái phân tầng, che cửa sổ và mái tiền sảnh.

Hệ thống lỗ thoáng, cửa sổ, cửa ban công và tường dày đến 80cm, tòa nhà như được trang bị hệ thống điều hòa tự nhiên trước thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc. Ảnh: Báo VnExpress
Hệ thống mái còn có mái che ban công, hàng mái dài giữa các tầng chạy ngang cả tòa nhà, mái trên tháp, mái ống khói, các mái tam giác trên nóc nhà... Ảnh: Báo Dân Trí

Mặt bằng công trình có hình chữ H. Khối chính cao và rộng nhìn ra quảng trường án ngữ trục phố Chu Văn An hội tụ với hai trục phố Điện Biên Phủ và Tôn Thất Đàm ngày nay. Khối sau hẹp và thấp hơn nhìn ra không gian vườn - công viên lớn nay là Bắc Sơn. Tòa nhà có bố cục quy hoạch theo quan niệm “thành phố - vườn” thịnh hành thời bấy giờ. Kiến trúc này kết hợp hài hòa với nhau tạo nên vẻ đẹp độc đáo.

Ngoài giá trị về kiến trúc, ngôi nhà trăm mái còn mang dấu ấn ý nghĩa về lịch sử. Ảnh: Báo Dân Trí

Đây là công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà hoạt động chính trị, văn hóa nghệ thuật khoa học nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Tòa nhà cũng được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41 ngày 03/10/1945, giao làm trụ sở Bộ Ngoại giao. 

Đây cũng là nơi các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã làm việc và tiếp nhiều đoàn cấp cao, nhân vật quốc tế quan trọng. Ảnh: Việt Dũng/Báo Tuổi Trẻ

Ngày 26/8/2016, tòa nhà đã đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong suốt nhiều năm quản lý và sử dụng tòa nhà, Bộ Ngoại giao chỉ sửa chữa một phần nhỏ nội thất và luôn coi trọng, gìn giữ nguyên hình thức kiến trúc bên ngoài.

Trải qua gần trăm năm lịch sử, tòa nhà vẫn luôn được đánh giá là một kiến trúc đẹp, nổi bật tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Đông, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc đô thị nói riêng và hấp dẫn của Hà Nội.