Theo Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO): “Quản lý rừng bền vững là quá trình quản lý những lâm phần (khu rừng) ổn định nhằm đạt được một hoặc nhiều mục tiêu quản lý đã được đề ra một cách rõ ràng như đảm bảo sản xuất liên tục những sản phẩm và dịch vụ rừng mà không làm giảm đáng kể những giá trị di truyền và năng suất của rừng trong tương lai và không gây ra những tác động xấu đối với môi trường tự nhiên và xã hội”.
Tiến trình Helsinki của Liên minh Châu Âu (EU) định nghĩa: “Quản lý rừng bền vững là sự quản lý rừng và đất rừng theo cách thức và cường độ phù hợp để duy trì đa dạng sinh học, năng suất, khả năng tái sinh và sức sống của rừng, và duy trì tiềm năng của rừng trong việc thực hiện, hiện nay và trong tương lai, các chức năng sinh thái, kinh tế và xã hội của rừng ở cấp địa phương, quốc gia, và toàn cầu, và không gây ra những tác động xấu đối với các hệ sinh thái khác”.
Như vậy, có thể hiểu QLRBV là cách quản lý đảm bảo được các lợi ích lâu dài, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường cho con người cả ở thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. QLRBV phải đảm bảo ba mục tiêu cơ bản là:
- Giữ vững sản xuất lâm nghiệp ổn định và phát triển lâu dài, đạt hiệu quả kinh tế cao;
- Bảo vệ và duy trì được diện tích và năng suất của rừng, không gây ô nhiễm môi trường sống;
- Góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của địa phương như tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập v.v.
Trong hai thập kỷ gần đây, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ từ Việt Nam tăng trưởng liên tục trên 10% mỗi năm, năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 15,87 tỷ USD[1], tăng 20% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 56% kế hoạch năm 2022 2. Mặc dù còn nhiều khó khăn, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2022 vẫn dự kiến đạt 16,3 tỷ USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 và thành trung tâm sản xuất đồ gỗ nội thất hàng đầu thế giới. Hiện cả nước có 3.852.380 ha rừng trồng là rừng sản xuất 3, cung cấp khoảng 32 triệu m3 gỗ/năm (năm 20214) đáp ứng khoảng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước. Đóng góp vào thành công này là hoạt động trồng, quản lý rừng trong nước và hoạt động chế biến gỗ và lâm sản. Hiện nay có khoảng trên 5.600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản, trong đó có khoảng 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 4.600 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Bên cạnh những mặt thuận lợi về nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí nhân công thấp, thị trường xuất khẩu đa dạng, vv… thì ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt liên quan đến yêu cầu về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và các chứng chỉ môi trường, QLRBV như:
- Đáp ứng yêu cầu về đảm bảo gỗ hợp pháp theo Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2019. Để thi hành Hiệp định này, ngày 01 tháng 9 năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, Quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam);
- Yêu cầu về đảm bảo gỗ hợp pháp, giải trình trách nhiệm khi xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam trên thế giới như Mỹ, Nhật, vv…
Cộng đồng quốc tế, Chính phủ và các cơ quan chính phủ, các tổ chức môi trường, xã hội v.v… đòi hỏi các chủ sản xuất kinh doanh rừng phải chứng minh rằng rừng của họ đã được quản lý bền vững, thông qua các Chứng chỉ rừng (CCR). Chứng chỉ rừng được xem như một loại giấy thông hành để duy trì và phát triển thị trường của doanh nghiệp, là công cụ để QLRBV nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.
Chứng chỉ rừng được đánh giá và cấp hiện nay thường là theo các tiêu chuẩn do các tổ chức quốc tế hoặc khu vực liên quan đến rừng công bố. Trong đó có hai loại chứng chỉ chính đang được áp dụng phổ biến tại Việt Nam cho các khu rừng đạt tiêu chuẩn QLRBV và các sản phẩm lâm nghiệp được chế biến, hình thành từ nguồn nguyên liệu gỗ:
- i) Chứng chỉ FM (Forest Management Certificate) – Chứng nhận quản lý rừng: là chứng nhận cấp cho một hoặc các khu rừng xác định đã tuân thủ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội từ lúc trồng, quản lý đến khâu khai thác bán gỗ.
- ii) Chứng chỉ CoC (Chain of Custody Certificate) – Chứng nhận “Chuỗi hành trình sản phẩm”. Chứng nhận cấp cho các doanh nghiệp chế biến gỗ đã chứng minh được nguyên liệu gỗ sử dụng có nguồn gốc từ rừng đáp ứng các yêu cầu về quản lí rừng bền vững. Chứng nhận này là khâu quan trọng giúp cho việc duy trì và phát triển bền vững các khu rừng được quản lý theo tiêu chuẩn QLRBV.
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và công bố tiêu chuẩn là phải đảm bảo tính đồng thuận của các bên liên quan. Tiêu chuẩn QLRBV là loại tiêu chuẩn có các yêu cầu liên quan rất nhiều đến luật pháp (ví dụ như lao động trẻ em, v.v.), môi trường (phân bón, hóa chất, v.v.), văn hóa, xã hội (phong tục, tập quán địa phương, bảo tồn, v.v.), trách nhiệm xã hội (trách nhiệm giải trình, phòng chống tham nhũng, v.v.). Để đảm bảo nguyên tắc đồng thuận, ngay cả đối với việc xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc gia về QLRBV cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn QLRBV do các tổ chức tiêu chuẩn hóa ở cấp độ khu vực và quốc tế thực hiện là rất hạn chế.
- Tiêu chuẩn của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO)
Hiện tại ISO chưa xây dựng và công bố các tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống QLRBV. Liên quan đến quản lý quá trình, năm 2018, ISO đã công bố tiêu chuẩn ISO 38200: 2018 Chain of custody of wood and wood-based products (Chuỗi hành trình gỗ và sản phẩm từ gỗ - CoC). ISO 38200: 2018 quy định các yêu cầu đối với chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) đối với gỗ và các sản phẩm làm từ gỗ, cây mút/bần (cork) làm nút chai và các vật liệu không phải gỗ, ví dụ như tre, nứa và các sản phẩm của chúng. Tiêu chuẩn này nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu và quản lý thông tin để có thể truy xuất theo dõi nguyên liệu từ các loại nguồn khác nhau đến thành phẩm (Chuỗi hành trình dựa vào hệ thống kiểm soát để theo dõi và xử lý nguyên liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng hoặc các bộ phận của chuỗi cung ứng, bao gồm vận chuyển, tiếp nhận, sản xuất, bán, bán lại và khai báo đầu ra).
Mặc dù tiêu chuẩn này không áp dụng cho quản lý rừng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này cũng quy định các yêu cầu tối thiểu về QLRBV đối với nguyên liệu đầu vào.
- Tiêu chuẩn quốc gia
Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nghiên cứu xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về QLRBV (Australia có các tiêu chuẩn: AS 4703:2013 Sustainable Forest Manangement - Economic, social, environmental and cultural criteria and requirements (Quản lý rừng bền vững - Tiêu chí và yêu cầu về kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa và tiêu chuẩn AS 4707:2014 Chain of custody for Forest (Chuỗi hành trình lâm sản); Việt Nam đang xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Chuỗi hành trình gỗ và sản phẩm từ gỗ, trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn ISO 38200: 2018; tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm của Việt Nam CoC/VFCS và tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế khác.
- Các loại tiêu chuẩn phổ biến của các tổ chức quốc tế liên quan đến rừng
Để hướng dẫn thực hiện QLRBV và cấp chứng chỉ, các tổ chức quốc tế liên quan đến rừng đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn để đánh giá bao gồm các nguyên tắc (Principles), các tiêu chí (Criteria) và chỉ số (Indicators). Hệ thống các tiêu chuẩn QLRBV của các tổ chức này tập trung vào các nhóm yêu cầu sau:
- Các điều kiện luật pháp, kinh tế, xã hội đủ để QLRBV;
- Các lợi ích từ rừng cả lâm sản và dịch vụ xã hội;
- Chính sách bảo vệ môi trường;
- Điều khoản chính sách QLRBV.
Trên thế giới hiện nay có 2 hệ thống tiêu chuẩn QLRBV được coi là có uy tín cao và mức độ áp dụng rộng rãi là:
- i) Tiêu chuẩn FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản trị rừng) Thành lập từ tháng 10 năm 1993, với 130 thành viên sáng lập đến từ 26 quốc gia, đến nay số thành viên là trên 120. FSC là một tổ chức độc lập, phi Chính phủ, phi lợi nhuận. FSC là tổ chức quản lý rừng uy tín và có phạm vi rộng nhất toàn thế giới, có những nguyên tắc và tiêu chí áp dụng cả cho rừng tự nhiên, rừng trồng, cả cho rừng ôn đới, nhiệt đới với các hoạt động thúc đẩy QLRBV thông qua việc chứng nhận độc lập bởi bên thứ ba. Cơ sở để FSC chứng nhận quản lý rừng cho chủ rừng là Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững gồm các nguyên tắc (P – Principle) và tiêu chí (C – Criterion). Trong đó:
Hệ thống chứng chỉ rừng của FSC bao gồm 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí, các chỉ số sẽ do các quốc gia và các đơn vị được FSC ủy quyền đánh giá và cấp chứng chỉ (CB) xây dựng từ bộ nguyên tắc và tiêu chí (P & C) phù hợp với từng vùng lãnh thổ.
Các nguyên tắc và tiêu chí (P & C) cho quản lý rừng của FSC được quốc tế công nhận là một tiêu chuẩn để quản lý rừng có trách nhiệm. Tuy nhiên, khi chấp nhận áp dụng ở cấp khu vực hoặc quốc gia tiêu chuẩn này phải được điều chỉnh để phù hợp với các điều kiện pháp lý, xã hội và địa lý khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Do đó, các nguyên tắc và tiêu chí của FSC phải được nghiên cứu bổ sung các chỉ số phù hợp với điều kiện khu vực hoặc quốc gia để triển khai ở cấp Đơn vị quản lý rừng.
Đến nay FSC đã ban hành Phiên bản 5 FSC (P & C V5): FSC STD V 5.0 (Phê duyệt tháng 2 năm 2012). Điều này có nghĩa là tiêu chuẩn quản lý rừng ở mỗi quốc gia phải được chuyển sang FSC STD V 5.0. Để sử dụng FSC STD V 5.0 một cách nhất quán trên toàn thế giới FSC đã xây dựng một bộ Chỉ số chung quốc tế (IGIs).
Ở các quốc gia đã có Tiêu chuẩn quản lý rừng, IGI sẽ được sử dụng làm điểm khởi đầu để chuyển các tiêu chuẩn hiện có này sang FSC STD V 5.0. Các Tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia, được các Tổ chức chứng nhận trên toàn thế giới sử dụng để xác minh việc tuân thủ P & C, làm cơ sở để trao chứng nhận Quản lý rừng FSC.
Ở các quốc gia chưa có tiêu chuẩn, cần phải xây dựng tiêu chuẩn phù hợp, làm cơ sở đánh giá việc tuân thủ P & C. Ở các quốc gia này, bộ chỉ số IGI mới này (nếu có) sẽ đóng vai trò là điểm khởi đầu để các Tổ chức chứng nhận điều chỉnh tiêu chuẩn chung của họ với các điều kiện cụ thể của từng quốc gia.
Sự phát triển IGI và chuyển Tiêu chuẩn quốc gia sang P & C V5.1 là hai quá trình được kết nối, với luồng thông tin từ dưới lên và từ trên xuống.
Từ năm 2012 Việt Nam đã tiếp cận với bộ Chỉ số chung quốc tế của FSC theo tiêu chuẩn FSC STD V 5.0. Để đáp ứng được yêu cầu của FSC, phục vụ cho các mục tiêu của việc phát triển bộ tiêu chuẩn, năm 2015 theo kế hoạch đã được FSC phê duyệt, Việt Nam đã tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn quản lý rừng FSC của Việt Nam trên cơ sở bộ Chỉ số chung quốc tế (IGIs), đến tháng 7/2019 Bộ tiêu chuẩn Việt Nam FSC NFSS V1.0 đã được FSC chính thức phê duyệt.
Bộ tiêu chuẩn FSC NFSS V1.0 được áp dụng cho tất cả các hoạt động lâm nghiệp có dự kiến xin cấp Chứng chỉ FSC tại Việt Nam. Bộ Tiêu chuẩn gồm 10 Nguyên tắc, 70 tiêu chí và 203 chỉ số:
- Nguyên tắc 1: Tuân thủ pháp luật, gồm 8 tiêu chí với 23 chỉ số;
- Nguyên tắc 2: Các quyền của người lao động và điều kiện làm việc, gồm 6 tiêu chí với 25 chỉ số;
- Nguyên tắc 3: Các quyền của người bản địa, gồm 6 tiêu chí với 16 chỉ số;
- Nguyên tắc 4: Quan hệ cộng đồng, gồm 8 tiêu chí với 20 chỉ số;
- Nguyên tắc 5: Các lợi ích từ rừng, gồm 5 tiêu chí với 13 chỉ số;
- Nguyên tắc 6: Gía trị và tác động môi trường, gồm 10 tiêu chí với 31 chỉ số;
- Nguyên tắc 7: Lập kế hoạch quản lý, gồm 6 tiêu chí với 13 chỉ số;
- Nguyên tắc 8: Giám sát và đánh giá, gồm 5 tiêu chí với 10 chỉ số;
- Nguyên tắc 9: Các giá trị bảo tồn cao, gồm 4 tiêu chí với 11 chỉ số;
- Nguyên tắc 10: Thực hiện các hoạt động quản lý, gồm 12 tiêu chí với 39 chỉ số Kèm theo 10 nguyên tắc là các phụ lục:
- Phụ lục A – Danh mục tối thiểu về các luật và các quy định hiện hành, và các hiệp ước, công ước và hiệp định quốc tế được Việt Nam phê chuẩn;
- Phụ lục B – Yêu cầu đào tạo cho người lao động có liên quan; Danh sách các yêu cầu đào tạo trong Phụ lục này là dành cho những người lao động có trách nhiệm công việc cụ thể liên quan đến việc thực hiện Bộ tiêu chuẩn quốc gia. Danh sách sẽ được điều chỉnh theo quy mô, cường độ và rủi ro;
- Phụ lục C – Các nội dung của kế hoạch quản lý;
- Phụ lục D – Các yêu cầu giám sát;
- Phụ lục E – Khung HCVF (Rừng giá trị bảo tồn cao);
- Phụ lục F – Chiến lược duy trì giá trị bảo tồn cao ; (Chi tiết, áp dụng Bộ công cụ cho rừng có giá trị bảo tồn cao của WWF Việt Nam);
- Phụ lục G – Danh sách các loài quý hiếm và bị đe dọa.
Liên quan đến quản lý chuỗi hành trình sản phẩm, năm 2004 FSC cũng đã xây dựng và công bố tiêu chuẩn FSC CoC, phiên bản FSC-STD-40-004 V1-0 để áp dụng toàn cầu đối với các tổ chức, doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh, sản xuất đồ gỗ đã được chứng nhận FSC. Tiêu chuẩn FSC CoC luôn luôn được bổ sung sửa đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn (năm 2007 công bố phiên bản FSC-STD-40-004 V2-0, năm 2011 công bố phiên bản FSC-STD-40-004 V2-1, năm 2016 công bố phiên bản FSC-STD-40-004 V3-0 và phiên bản FSC-STD-40-004 V3-1, năm 2017 phiên bản FSC-STD-40-005 V3-1). Tiêu chuẩn FSC-STD-40-005 V3-1 gồm các yêu cầu cho nguồn gốc gỗ có kiểm soát. Tiêu chuẩn này áp dụng để đánh giá đối với các đơn vị có sử dụng gỗ có kiểm soát FSC mà cần có chứng chỉ CoC.
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến và các tổ chức đánh giá cấp Chứng chỉ FSC CoC tại Việt Nam áp dụng 02 tiêu chuẩn: tiêu chuẩn FSC CoC STD V3-0 cho gỗ nguyên liệu đầu vào 100% có chứng chỉ QLRBV FM, và áp dụng tiêu chuẩn FSC CoC STD V3-1 cho gỗ nguyên liệu đầu vào là gỗ kiểm soát (Controlled Wood – CW) hoặc gỗ trộn (Mixed Wood – MW) giữa gỗ có chứng chỉ FM và gỗ CW.
- ii) Chương trình chứng nhận Chứng chỉ rừng (The programme for the Endorsement of Forest Certification – PEFC)
Cũng như FSC, PEFC là một tổ chức độc lập, phi Chính phủ, phi lợi nhuận, thành lập năm 1999 với các hoạt động thúc đẩy QLRBV thông qua việc chứng nhận độc lập bởi bên thứ ba. PEFC quan tâm đến suốt chuỗi cung cấp sản phẩm để thúc đẩy thực hành tốt trong việc quản lý rừng và để đảm bảo rằng gỗ và các sản phẩm từ rừng được sản xuất và tuân theo các tiêu chuẩn sinh thái, xã hội và đạo đức cao nhất. Thông qua nhãn sinh thái, khách hàng và người tiêu dùng có thể xác định các sản phẩm từ rừng được quản lý bền vững. Bộ tiêu chuẩn QLRBV của PEFC gồm 7 nguyên tắc và 66 tiêu chí.
Tại Việt Nam, ngày 01/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1288/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, đã yêu cầu xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, hợp tác với tổ chứng nhận chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) để vận hành hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu quốc tế.
Thực hiện quyết định này, Bộ NN&PTNT đã thành lập Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Quyết định số 191/QĐ-BNN-TCCB, ngày 11/01/2019 và Quyết định số 3925/QĐ-BNN-TCCB ngày 04/10/2021, Điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 191/QĐ-BNN-TCCB. Đến nay Việt Nam đã xây dựng và vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, trở thành thành viên thứ 51 của PEFC và được PEFC công nhận. Ngày 06/9/2019, Văn phòng chứng chỉ rừng Việt Nam phê duyệt và công bố Bộ tiêu chuẩn QLRBV Việt Nam VFCS/PEFC ST 1003:2019.
Bộ tiêu chuẩn VFCS/PEFC ST 1003:2019 có 7 nguyên tắc, 34 tiêu chí với 117 chỉ số:
- Nguyên tắc 1: Chủ rừng tuân thủ các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, gồm 4 tiêu chí với 13 chỉ số;
- Nguyên tắc 2: Chủ rừng tôn trọng quyền của cộng đồng dân cư và người dân địa phương, gồm 5 tiêu chí với 16 chỉ số;
- Nguyên tắc 3: Chủ rừng đảm bảo quyền và điều kiện làm việc của người lao động, gồm 4 tiêu chí với 14 chỉ số;
- Nguyên tắc 4: Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng, gồm 8 tiêu chí với 28 chỉ số;
- Nguyên tắc 5: Quản lý và bảo vệ môi trường trong các hoạt động lâm nghiệp, gồm 4 tiêu chí với 16 chỉ số;
- Nguyên tắc 6: Duy trì, bảo tồn và nâng cao đa dạng sinh học, gồm 6 tiêu chí với 27 chỉ số;
- Nguyên tắc 7: Rừng được theo dõi, giám sát, đánh giá theo phương án quản lý rừng bền vững, gồm 3 tiêu chí với 13 chỉ số.
Để quản lý rừng theo chuỗi hành trình, PEFC cũng đã xây dựng và công bố tiêu chuẩn của mình, tiêu chuẩn PEFC- CoC. Phiên bản PEFC đang áp dụng hiện nay là PEFC ST 2002:2020 Chain of Custody of Forest and Tree Based Products – Requirements. Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu mà một tổ chức phải đáp ứng để thực hiện thành công chuỗi hành trình sản phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng và cây ngoài rừng và đưa ra khai báo PEFC đối với khách hàng về nguồn gốc các sản phẩm từ rừng và cây ngoài rừng là từ các khu rừng được quản lý bền vững, nguyên liệu tái chế, nguồn kiểm soát PEFC.
Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC cung cấp sự đảm bảo được kiểm chứng một cách độc lập rằng gỗ đã có chứng nhận chứa trong một sản phẩm có nguồn gốc từ những diện tích rừng được quản lý tốt.
Trong khi một số thành viên khác của PEFC tại Mỹ và Australia ban hành tiêu chuẩn CoC của riêng mình, dựa trên các nguyên tắc của PEFC và được PEFC công nhận, Việt Nam là thành viên sử dụng trực tiếp hệ thống tiêu chuẩn PEFC- CoC.
Như vậy, tùy theo mô hình hoạt động, các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa liên quan đến rừng có thể áp dụng các tiêu chuẩn do hai tổ chức quốc tế FSC và PEFC công bố (trực tiếp hoặc có bổ sung, sửa đổi để phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu đã quy định trong các tiêu chuẩn tương ứng của FSC và PEFC) để thực hiện và đánh giá theo Chứng chỉ FM hoặc Chứng chỉ CoC.
Trong hai hệ thống, Chứng chỉ của FSC được nhiều tổ chức và khách hàng trên thế giới coi là chứng chỉ có uy tín nhất và có phạm vi rộng toàn thế giới.
Ở Việt Nam, hiện nay ngành lâm nghiệp đang thực hiện:
- Đối với Chứng chỉ FM, áp dụng song song 2 tiêu chuẩn: NFSS V1.0 và VFCS/PEFC ST 1003:2019;
- Đối với Chứng chỉ CoC, áp dụng các tiêu chuẩn: FSC CoC STD V3-0, FSC CoC STD V3-1 và PEFC ST 2002:2020.
Kinh nghiệm thực tế trong nước và quốc tế cho thấy, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến QLRBV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ phát triển rừng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các yêu cầu của hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường ở tất cả các quốc gia trên thế giới.