Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc
Tháng 9/2015, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vũng. 17 mục tiêu phát triển bền vững kêu gọi hành động toàn cầu đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nhằm xoá bỏ đói nghèo, bảo vệ môi trường, khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng.
Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDG). Các mục tiêu phát triển bền vững toàn diện hơn so với MDG và được cụ thể hóa thành 169 chỉ tiêu. 17 Mục tiêu phát triển bền vững liên kết với nhau và cân bằng trên ba khía cạnh của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường, với tham vọng giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân trên thế giới phải đối mặt.
Nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017), trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể.
Mới đây nhất, ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 841/QĐ-TTg (thay thế quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/06/2019) về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Ngày 25 tháng 9 năm 2020, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và địa phương đến năm 2030.
Mối liên hệ giữa Tiêu chuẩn và các Mục tiêu Phát triển Bền vững
Tuyên bố Luân Đôn về “Cam kết về khí hậu của ISO” đã được đại diện cho 165 quốc gia thành viên của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) thông qua vào tháng 9 năm 2021 tại Luân Đôn. Tuyên bố viết: “ISO cam kết làm việc với các thành viên, các bên liên quan và đối tác để đảm bảo rằng các ấn phẩm và tiêu chuẩn quốc tế của ISO thúc đẩy việc đạt được thành công Thỏa thuận Paris, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và Lời kêu gọi Hành động của Liên Hợp Quốc về Thích ứng và Khả năng phục hồi”.
Các tiêu chuẩn ISO đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế toàn cầu, tạo niềm tin trên tất cả các khía cạnh của thương mại quốc tế. Một số tiêu chuẩn của ISO hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự về khí hậu, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, định lượng phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phổ biến các thực hành tốt trong quản lý môi trường. ISO đã tham gia vào Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc với mục đích nhằm biến đổi thế giới chúng ta bền vững hơn, qua đó thúc đẩy các quốc gia thành viên nỗ lực để cùng nhau thực hiện được các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Các tiêu chuẩn cho phép chuyển Mục tiêu Phát triển Bền vững thành các mục tiêu hoạt động có thể đạt được. Do đó, tiêu chuẩn được sử dụng như một khuôn khổ để triển khai và đạt được sự bền vững. Việc triển khai và thành công của các Mục tiêu Phát triển Bền vững sẽ dựa vào tất cả các bên liên quan, bao gồm cả cộng đồng những người làm công tác tiêu chuẩn hóa. Các tiêu chuẩn góp phần truyền tải nhanh chóng sự đổi mới và công nghệ mới và thúc đẩy thương mại toàn cầu, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà cung cấp dịch vụ và chính phủ trên toàn thế giới. Vì tiêu chuẩn được xem là công cụ tự nguyện và cung cấp các thực hành tốt nhất được chia sẻ rộng rãi, dựa trên sự đồng thuận của nhiều bên liên quan nên tiêu chuẩn cung cấp cơ sở nền tảng cho sự đổi mới phát triển và là công cụ quan trọng giúp ngành công nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ đóng góp vào việc đạt được tất cả Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Ảnh minh họa.
Tiêu chuẩn hỗ trợ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững
Các cơ quan tiêu chuẩn ở cả cấp quốc gia, khu vực hay quốc tế đều cam kết xây dựng tiêu chuẩn để giải quyết các thách thức toàn cầu. Các cơ quan này xây dựng tiêu chuẩn để đóng góp cho ba khía cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời cung cấp các giải pháp dài hạn để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững. Các cơ quan tiêu chuẩn đều nỗ lực chứng minh một tiêu chuẩn cụ thể có đề cập đến một hoặc một số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Đi tiên phong trong việc thực hiện nỗ lực này chính là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO). ISO đã triển khai theo cách tiếp cận có hệ thống hơn để xác định Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan được hỗ trợ bởi các tiêu chuẩn ngay từ khi bắt đầu công tác tiêu chuẩn hóa mới. Đây là cách tiếp cận mang tính chiến lược đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững, gắn các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào tất cả công tác tiêu chuẩn hóa và khám phá các hình thức hợp tác tiềm năng mới với các bên liên quan, do đó tối đa hóa sự đóng góp của các tiêu chuẩn cho phát triển bền vững. Đối với mỗi mục tiêu, ISO đã xác định các tiêu chuẩn có đóng góp quan trọng nhất.
Đại hội đồng ISO năm 2018 đã xác định tính bền vững là một trọng tâm thiết yếu gắn liền với khoảng 600 tiêu chuẩn ISO liên quan đến 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Nhưng đến nay, số lượng tiêu chuẩn ISO đáp ứng cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững đã tăng lên đáng kể do đã sử dụng cách tiếp cận toàn diện. Ví dụ: có 14.333 tiêu chuẩn ISO hỗ trợ cho "Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới"; 3.541 tiêu chuẩn ISO hỗ trợ cho "Mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người"; 3.156 tiêu chuẩn ISO hỗ trợ cho "Mục tiêu 12: Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững".
Đối với Việt Nam, liên quan đến chính sách về tiêu chuẩn hóa, Nghị quyết số 136/NQ-CP đặt ra các mục tiêu như hoàn thành xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới để đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn quốc gia và thông lệ quốc tế; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng và phát triển các công nghệ cao, công nghệ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong thời gian tới để triển khai thực hiện nghị quyết 136/NQ-CP về tiêu chuẩn hóa, Việt Nam cần sử dụng cách tiếp cận toàn diện (giống như ISO, IEC) nhằm xác định rõ hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) liên kết và hỗ trợ thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây cũng là công cụ để nâng cao nhận thức về các Mục tiêu Phát triển Bền vững, hiểu rõ các giá trị và lợi ích mà tiêu chuẩn quốc gia đóng góp cho việc đạt được các Mục tiêu này. Cách tiếp cận này cũng giúp làm rõ hơn mối liên kết giữa Mục tiêu Phát triển Bền vững với các tiêu chuẩn, qua đó góp phần thúc đẩy việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua hoạt động tiêu chuẩn hóa.