Tiềm ẩn rủi ro từ xe đạp điện nhập lậu

(CL&CS) - Tình trạng xe đạp điện nhập lậu, gian lận nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn chất lượng, trở thành nỗi lo của người tiêu dùng, bởi nguy cơ cháy nổ, gây tai nạn giao thông luôn rình rập.

Phát hiện cửa hàng buôn bán xe đạp điện nhập lậu tại Bình Dương

Ngày 13/10/2023, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bình Dương phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế - Ma túy, Công an huyện Bàu Bàng tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng xe đạp điện Ken, địa chỉ: đường D10-5A, khu phố Đồng Sổ, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng xe đạp điện Ken đang bày bán 14 chiếc xe đạp điện các loại có nguồn gốc nhập khẩu nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa là 74 triệu đồng.

Đồng thời chủ số hàng hóa trên là ông T.D.H, sinh năm 1992, nơi ở hiện tại: khu phố Đồng Sổ, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương không xuất trình được giấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định. Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3 đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa theo quy định và lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông T.D.H về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Bình Dương tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm các mặt hàng thuộc trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, xe đạp điện, xe máy điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường tại văn bản số 2071/TCQLTT-CNV ngày 15/9/2023.

Phát hiện cửa hàng buôn bán xe đạp điện nhập lậu tại Bình Dương.

Rủi ro tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn từ xe đạp điện không rõ nguồn gốc

Mấy năm gần đây, xe đạp điện và xe máy điện bắt đầu được sử dụng nhiều tại Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn. Nhưng có một thực tế là thị trường xe máy điện và xe đạp điện đang bị hàng lậu, hàng giả hàng nhái áp đảo gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng và gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của nhà nước.

Những chiếc xe điện nhái, không rõ nguồn gốc khi tung ra thị trường có kiểu dáng không khác là bao so với những chiếc xe chính hãng. Nhiều người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ sẽ không thể phát hiện đâu là xe lậu, đâu là xe chính hãng. 

Do sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng có thể mang lại khoản lợi nhuận lớn, nên nhiều đối tượng đã bất chấp mọi thủ đoạn để thực hiện, mặc dù biết rõ đã vi phạm pháp luật. Thực tế, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn do các loại phụ tùng giả, kém chất lượng gây ra như: Cháy nổ xe, gãy trục xe... gây tai nạn và tổn thất cho người sử dụng cũng như an toàn xã hội.

Càng ngày mức độ sử dụng xe đạp, xe máy điện làm phương tiện tham gia giao thông của người dân càng tăng, do đó mà thị trường của loại mặt hàng này cũng có nhiều biến động. Tuy nhiên, khi mà người bán hàng chỉ chú ý đến lợi nhuận, người tiêu dùng thì ưa hình thức và hợp túi tiền sẽ là nguy cơ tiềm ẩn những hệ lụy, vì vậy một yêu cầu bức thiết của người tiêu dùng hiện nay là mong muốn được sử dụng loại phương tiện tham gia giao thông này một cách an toàn. Và vấn đề được đặt ra cho các cơ quan quản lý  là  đưa loại phương tiện này vào diện quản lý.

Những chiếc xe này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn khi vận hành bởi chất lượng đầu vào kém và không qua kiểm duyệt, đánh giá từ các cơ quan quản lý. Chủ một hệ thống xe tiết lộ: "Nếu mua phải các dòng xe trôi nổi thì gặp phải rủi ro là khi sử dụng hay bị hỏng vặt, thời gian sử dụng ngắn. Cùng với đó là các vấn đề không an toàn khi phanh và các hệ thống lái rất kém, đi một thời gian xuống cấp rất nhanh”.

Ngoài ra, sản phẩm chất lượng kém sẽ khiến khách hàng gặp nhiều rắc rối trong quá trình sử dụng, nhất là chế độ bảo hành của các dòng sản phẩm này thường kém hơn. Đó là chưa kể đến các vấn đề mất an toàn giao thông, cháy nổ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngoài lựa chọn xe có thương hiệu uy tín. Việc sạc pin, bình ắc quy đúng cách sẽ giúp bảo vệ xe an toàn. Chỉ nên sạc khi pin gần hết và không được sạc qua đêm, nên dùng nguồn điện phù hợp để sạc cho xe. Mỗi cục pin/bình ắc quy đều có hạn sử dụng, vì vậy không nên sử dụng quá lâu vì không đảm bảo công xuất và độ an toàn.Nên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống pin/bình ắc quy ba tháng/lần . Nếu thấy pin/bình ắc quy bị phồng lên, khi sạc ngửi thấy mùi khét thì cần thay mới và chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Nên dùng dụng cụ sạc chính hãng (cùng hãng với pin/bình ắc quy) để đảm bảo dòng điện đi vào chuẩn và ổn định. Không tác động mạnh vào pin/bình ắc quy, không để xe nơi có nhiệt độ cao, không nên thay đổi kết cấu xe.

TIN LIÊN QUAN