Mới đây, CTCP Hùng Vương (HVG) đã công bố Nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc, nơi Hùng Vương nắm giữ 76% vốn. Cùng với việc giải thể công ty bất động sản, tập đoàn này cũng rao bán các bất động sản hiện có thuộc An Lạc với tổng diện tích sử dụng hơn 20.000 m2.
Trong báo cáo giải trình, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương cho biết sẽ quay trở lại với ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Thay vì phát hành cổ phiếu đầu tư sai mục đích, rót tiền vào địa ốc, chứng khoán, tới đây Hùng Vương sẽ chú trọng vào nuôi trồng, chế biến thức ăn, nâng cấp sửa chữa nhà máy, thiết bị, tránh sai lầm như nhiều công ty khác mà ông từng phê phán. Đây được xem là bước thay đổi chiến thuật của ông Minh.
Nơi đây từng là trụ sở Công ty An Lạc đã bị cho thuê làm nhà hàng trước khi bán. |
Theo thông tin công bố tại Nghị quyết HĐQT Công ty Hùng Vương, các bất động sản thuộc Công ty Địa ốc An Lạc được rao bán gồm các khu đất trên địa bàn TP.HCM: 1.488 m2 đất tại 94 Phạm Đình Hổ, P.2, Q.6; 1.123 m2 đất tại 96 Phạm Đình Hổ; 5.643 m2 đất tại 765 Hồng Bàng, P.6, Q.6 và khu đất theo tờ bản đồ số 7, thửa 23-24-25-30 tại xã Long Thới, huyện Nhà bè, diện tích gần 12.000 m2.
Đây là các bất động sản có vị trí đắc địa và đều là đất sạch nên rất thuận lợi để phát triển các dự án. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại do đang cần tập trung nguồn lực để phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi là thủy sản nên công ty quyết định thanh lý các bất động sản này.
Sau khi hoàn tất việc thanh lý bất động sản, thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, phần còn lại được phân phối cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ vốn góp. Như vậy, Hùng Vương có thể thu về 76% giá trị phần còn lại từ việc thanh lý các bất động sản của Công ty An Lạc, hai cổ đông khác là ông Lê Nam Thành sở hữu 19% vốn tại An Lạc và ông Dương Ngọc Minh nắm giữ 5%.
Một trong các khu đất có vị trí đắt địa tại Q6 cũng bị " vua cá tra" mang bán. |
Hùng Vương được mệnh danh là "vua cá tra" khi là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành chế biến cá tra xuất khẩu. Theo báo cáo tài chính kiểm toán giữa niên độ từ ngày 1/10/2016 đến ngày 31/3/2017, lỗ ròng của công ty này sau kiểm toán đã tăng gấp 5,5 lần.
Trước khi kiểm toán, lỗ sau thuế của công ty mẹ Hùng Vương từ 1/10/2016 đến 31/3/2017 là 31,1 tỷ đồng nhưng sau kiểm toán, khoản lỗ của công ty này đã bất ngờ tăng lên mức 173 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch lớn về kết quả lợi nhuận do sau soát xét, giá vốn của Hùng Vương tăng mạnh kéo lãi gộp giảm cùng với các khoản chi phí quản lý tăng mạnh và ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động liên doanh liên kết.
Đầu năm 2017, "vua cá tra" Hùng Vương cũng khiến giới đầu tư bất ngờ khi báo cáo tài chính kiểm toán niên độ 2015-2016 công ty này báo lỗ ròng 49 tỷ đồng, trong khi báo cáo của công ty đưa ra lãi ròng 309 tỷ đồng.
Tổng vay nợ của HVG là hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn (7.650 tỷ đồng). Các khoản vay được thế chấp bởi một số hàng tồn kho. Và con số vay nợ cao đã đẩy chi phí tài chính tiếp tục tăng từ 440 tỷ lên 577 tỷ đồng.
Những biến cố tài chính khiến cho cổ phiếu của Hùng Vương - "ông vua” thủy sản một thời rơi vào diện cảnh báo và chung số phận với những tên tuổi khác như Hoàng Anh Gia Lai, gỗ Trường Thành…
Hiện tại, cổ phiếu HVG vẫn thuộc diện bị cảnh báo do kết quả lợi nhuận công ty mẹ báo lãi âm 6 tháng đầu năm 2017 và do vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng một năm.
Bài & ảnh: Tấn Lợi