Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền

(CL&CS) - Ngày 4/4, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”.

Phát biểu tại diễn đàn, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT)  Lê Đức Thịnh cho biết: hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái, minh bạch. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn là yếu tố phù hợp để định hướng này đi vào cuộc sống.

Diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”. tại tỉnh Thái Bình.

Để làm được điều đó, cần chú trọng đến những vấn đề sau: Công tác truyền thông phải giúp làm rõ thế nào là tập trung và tích tục ruộng đất để người dân hiểu về việc sở hữu ruộng đất, tích cực đóng góp cho đại điền; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, cơ giới hóa...; phát triển các mô hình đại điền ứng dụng các tiến bộ KHCN; tổ chức lại sản xuất, minh bạch thông tin tạo thuận lợi để các chủ thể kết nối tạo thành chuỗi; xây dựng và phát triển được thương hiệu nông sản.

Một trong những vấn đề được quan tâm và trực tiếp liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đó là đất nông nghiệp. đại diện Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Lê Thị Lệ Thu đã thông tin một số điểm mới và định hướng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp..

Theo đó, các hạn chế về hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đang dần được tháo gỡ từ quan điểm của Nghị quyết 18 ngày 16/6 của Hội nghị Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực để đưa đất nước có thu nhập cao và cụ thể hóa tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013.

Cụ thể, về hạn mức, đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, dự thảo hiện nay quy định tăng lên 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ giá đình, cá nhân cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đối tượng chuyển nhượng đất nông nghiệp được mở rộng hơn, cho phép các tổ chức kinh tế tham gia, cùng đó có các quy định với đối tượng này.

Về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nhà nước có chính sách khuyến khích thông qua việc ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.

Về cho phép được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất trồng lúa, người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bộ NN-PTNT đang đề nghị tiếp tục có nghị định hướng dẫn.

Đối với đất sử dụng đa mục đích, Điều 213 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Điều 213 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định đất đai được sử dụng kết hợp vào nhiều mục đích khác nhau để tăng hiệu quả sử dụng đất, gồm Đất sử dụng hỗn hợp và Đất sử dụng kết hợp. Đồng thời, nêu một số nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích theo hướng: đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp từ hai mục đích trở lên có thể phân định được ranh giới hoặc không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng. Theo đó, có các hình thức: đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp trồng cây dược liệu; đất có mặt nước kết hợp với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại, dịch vụ và các mục đích phi nông nghiệp khác; đất sử dụng vào mục đích công cộng kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất tôn giáo, đất tín ngưỡng kết hợp với thương mại dịch vụ” .

Đồng thời, nêu một số nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích theo hướng: đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp từ hai mục đích trở lên có thể phân định được ranh giới hoặc không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng...

Dự thảo hiện nay đã nêu lên vị trí, vai trò của Bộ NN-PTNT trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, Bộ NN-PTNT là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi,... với diện tích đất nông nghiệp 27,90 triệu ha, chiếm 84.46% diện tích đất tự nhiên cả nước.

Điểm rất mới ở dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đã thể hiện vai trò của cơ quan nông nghiệp trong việc thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai nông nghiệp. Tuy nhiên, để việc đánh giá chất lượng đất đai hiệu quả phục vụ cho định hướng sản xuất vùng trồng Bộ tiếp tục đề nghị quy định cơ quan nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm trong đánh giá, quan trắc, giám sát, bảo vệ cải tạo, nâng cao chất lượng, phục hồi đất nông nghiệp.

Về phía địa phương tỉnh Thái Bình, liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Lê Nguyên Hoài, thông tin, Thái Thụy là một trong hai huyện của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế. Do đó, diện tích đất nông nghiệp thực hiện theo quy hoạch trong khu kinh tế cũng bị tác động.

Theo ông Hoài, tại địa phương có một số đơn vị có diện tích tích tụ lớn như: Công ty Hưng Khang nghĩa thuê đất đất tại Thụy Phong, Thụy Thanh với diện tích 35ha; Công ty Đông Tây thuê đất tại Thụy Thanh với diện tích 30 ha; hộ Lê Thị Gấm Dương Phúc 11 ha, Bùi Văn Chín Dương Phúc 10 ha; Phạm Quang Việt Thái Giang 20 ha; Bùi Đức Thiên 10 ha, Trần Quang Hanh 15 ha … thực tế sản xuất của các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất truyền thống từ 15 - 20%.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết, từ việc giá vật tư nông nghiệp tăng cao và không ổn định trong những năm vừa qua, vùng đất sản xuất lúa vốn là vùng đất nhiều chua mặn, canh tác lúa năm được năm mất, năng suất thu được bị phụ thuộc vào thời tiết nên nhân dân đang dần có tư tưởng bỏ ruộng.

Nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững trong sản xuất, có thể tận dụng được các phế phụ phẩm nông nhiệp và lượng phân chuồng lớn có sẵn tại địa phương, HTX Nam Cường đã đưa phân chuồng và tàn dư trên đồng ruộng vào sử dụng thay cho phân bón hóa học NPK và đã mang lại hiệu quả cao.

Dự kiến năm 2023 HTX sẽ tăng diện tích sản xuất lúa sạch lên gấp 5 lần, cung cấp gạo sạch cho nhu cầu của địa phương với tổng sản lượng dự kiến 30 tấn/năm.Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuy tốn công làm cỏ (15 công/ha/lần x 2 lần/vụ), tốn thêm công bắt ốc bươu vàng trước khi cấy (10 công/ha) nhưng với những biện pháp sản xuất tập trung và chuyên nghiệp hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo cho HTX phát triển và nhân rộng mô hình.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng nêu một số kiến nghị như phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tập trung hóa đất đai xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hoá.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp, hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp; cơ giới hoá đồng bộ phù hợp với từng vùng sản xuất với quy mô lớn gắn với tổ chức sản xuất và theo chuỗi giá trị nông sản, tăng cường chế biến sâu. Hỗ trợ tập trung đất đai, thuê đất, thuê mặt nước; Hỗ trợ chuyển đổi số để thực hiện dự án cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi tư duy, thúc đẩy, nhân rộng việc ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp tự động hoá và nông nghiệp số.

TIN LIÊN QUAN