Thủ tướng yêu cầu bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu

(CL&CS) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ và các cơ quan liên quan tập trung bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, không tăng giá sách giáo khoa trong lúc này.

Trong tháng 7 có 14.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,3% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng có 139.500 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 5,9% so với cùng kỳ (cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu (ảnh Nhật Bắc)

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức. Trong đó, sức ép lạm phát còn cao, nhất là do giá dầu thô, lương thực biến động mạnh; tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới còn nhiều rủi ro; dự báo tăng trưởng, thương mại, đầu tư toàn cầu mặc dù có xu hướng phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả", tăng cường giám sát, kiểm tra, triển khai thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời.

Ngân hàng nhà nước tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Về kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu các bộ và các cơ quan liên quan tập trung bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, không tăng giá sách giáo khoa trong lúc này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030. Trong đó đặc biệt lưu ý dứt khoát không bố trí dàn trải; chi đầu tư ngân sách Trung ương tập trung cho các công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia, công trình có tính liên vùng, kết nối quốc tế.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển kinh tế xanh; nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip bán dẫn, AI.... Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Bộ Y tế tập trung xử lý các vấn đề, đưa dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 vào hoạt động.

TIN LIÊN QUAN