Thành phố mới Thủ Đức: Cực tăng trưởng phía Đông TP.HCM

(CL&CS) - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thành phố mới Thủ Đức được thành lập kỳ vọng trở thành động lực phát triển kinh tế cho khu Đông cũng như TP.HCM. Trong đó, Q. Thủ Đức sẽ trở thành trung tâm hành chính của TP. Thủ Đức; Q.2 là trung tâm tài chính và Q.9 là trung tâm sáng tạo, công nghệ. Nơi đây cũng hứa hẹn sẽ là môi trường tốt thu hút các công dân quốc tế đến làm việc.

Lịch sử hình thành TP. Thủ Đức

Vùng đất Thủ Đức có truyền thống lịch sử lâu đời, với nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Năm 1911, Q. Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định; sau 30/4/1975 đổi thành huyện Thủ Đức thuộc TP. Sài Gòn - Gia Định; năm 1976 là huyện trực thuộc TP.HCM. Ngày 6/1/1997, 3 quận mới được thành lập trên cơ sở tách ra từ Thủ Đức gồm Q.2, Q.9 và Q. Thủ Đức. Ba quận này có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

Sau hơn 20 năm phát triển, 3 quận trên đạt được những kết quả quan trọng với nhiều thành tựu vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, hạ tầng cơ sở phát triển. Nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới được hình thành.

Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Q.2, Q.9 và Q. Thủ Đức.

TP. Thủ Đức rộng trên 211km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1 triệu người; giáp Q.1, Q.4, Q.7, Q.12, Q. Bình Thạnh và tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương.

TP. Thủ Đức được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt đầu tàu kinh tế TP.HCM với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.

Việc TP. Thủ Đức được thành lập kỳ vọng trở thành động lực phát triển kinh tế cho khu Đông cũng như TP.HCM. Trong đó, Q. Thủ Đức sẽ trở thành trung tâm hành chính; Q.2 sẽ trở thành trung tâm tài chính và Q.9 được sẽ trở thành trung tâm sáng tạo, công nghệ và là khu vực phát triển năng động nhất. Nơi đây cũng hứa hẹn sẽ  là môi trường tốt thu hút các công dân quốc tế đến làm việc.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng việc thành lập TP. Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương; không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP. HCM và 7% GDP cả nước.

Chuyên gia nói gì?

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển phân tích: Khu Đông chính là khu vực năng động nhất ở cửa ngõ phía đông của TP.HCM không chỉ nhờ vị trí thuận lợi mà còn được Nhà nước và các địa phương đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ từ cảng biển nước sâu, sân bay, hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, các khu công nghiệp lớn trong vùng... TP.HCM cũng sẽ chuyển hướng về đây những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, mang tính thân thiện môi trường, do đó tiềm năng phát triển sẽ là rất lớn.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng việc thành lập thành phố phía Đông có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. Điều này vừa giúp giảm áp lực về giao thông, dân số, vừa cung cấp cho thành phố một bộ máy làm việc chuyên nghiệp. Đây sẽ là cơ hội cho tất cả, doanh nghiệp và người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng việc thành lập thành phố này không phải để người dân mua bán bất động sản, mà phải làm sao để Thủ Đức trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ giúp người dân có thể về đó sinh sống và làm việc.

Tại TP.HCM, GDP bình quân đầu người mỗi năm khoảng 3.000-4.000 USD, khi về Thủ Đức sinh sống thu nhập bình quân của người dân sẽ là bao nhiêu, công việc ở đâu ra? Thu nhập như thế nào? Đây chính là bài toán lớn mà khi làm quy hoạch chúng ta phải lưu ý đến, cần phải liên kết đến vấn đề về kinh tế ngoài quốc doanh để thúc đẩy nội lực của Thủ Đức như kỳ vọng của Chính phủ và các ban ngành.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết sức hấp dẫn của TP. Thủ Đức đến từ tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch tương lai. Nổi bật là Q.9 đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Môi trường sống tại đây trong lành, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới rót vốn đầu tư, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân liên tục gia tăng. Một điều dễ nhận thấy là khu vực này hiện vẫn thiếu những trung tâm tài chính, trung tâm hành chính tập trung có quy mô lớn. Chắc chắn việc hình thành các trung tâm tài chính, hành chính, công nghệ cao, sinh thái trong tương lai... sẽ biến khu vực này trở thành một điểm sáng mới trong bức tranh thị trường bất động sản TP.HCM. Điều đó sẽ mang đến lợi ích thiết thực cho người dân và khu vực.

Là người ủng hộ thành lập TP. Thủ Đức, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: việc quan tâm của người dân thành phố sẽ được lợi gì là vấn đề cần phải được đặt lên hàng đầu. Bởi nếu không cẩn thận, dự án phía Đông có thể dễ sa vào tình trạng chỉ làm lợi cho nhà đầu tư địa ốc mà lại tăng gánh nặng cho ngân sách, không mang lại lợi ích cho người dân như công ăn việc làm, môi trường sống, hạ tầng xã hội...

Do vậy, TP.HCM cần quan tâm đến việc gắn kết trách nhiệm của nhà đầu tư. Nghĩa là nhà đầu tư không thể chỉ phát triển dự án nhà mà phải song song tạo ra hạ tầng xã hội, tiện ích phục vụ cho dân cư. Nhà nước trong vai trò là nhà điều phối để bảo đảm đem lại lợi ích cho mọi người, xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Cũng theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, để thực hiện được dự án xây dựng thành phố phía Đông văn minh hiện đại, đóng góp trên 1/3 GDP cho thành phố như lãnh đạo thành phố kỳ vọng thì TP.HCM phải xây dựng được một chiến lược phát triển tốt, và tổ chức phân kỳ kế hoạch thực hiện các dự án với tính khả thi cao.

TIN LIÊN QUAN