Tết đến nhớ ngày trồng hoa Tết ở làng hoa Ngọc Hà

(CL&CS) - Tết lại sắp đến rồi. Các công việc của năm đang khép lại đi vào tổng kết. Nhịp mới, công việc mới của năm mới đã vào kế hoạch, chuẩn bị đưa vào thực hiện với tràn trề hy vọng tốt đẹp hơn. Sắp thêm tuổi mới với bao ước mong và hy vọng, mà với người nhiều tuổi như chúng tôi, mong cho con cháu, gia đình và quê hương, đất nước nhiều điều tốt lành, cho mình chỉ còn là sức khỏe. Rồi cũng như mọi khi, ký ức năm xưa lại bất chợt ùa về.

Duyên cớ đến với làng hoa

Năm ấy, năm 1981 tôi bỏ nhà tập thể cơ quan 8 m2. Đúng, chỉ 8 m2, nhưng khi đó quý lắm đấy, không nhỏ tý nào. Cứ thế ra đi cũng chẳng báo cáo cơ quan gì sất. Nhiều người biết bảo là khùng mà. Thực ra gian nhà cấp 4 lợp tấm febro ximăng là xuất của tôi và một anh bạn khác. Anh ý lấy vợ người gốc Hà Nội có nhà, nên về nhà vợ ở gửi rể. Diện tích nhỏ vậy, mà có giá trị lớn đến nỗi anh bạn tiếp quản không gian đó vì thế lấy được gái Hà thành xinh xẻo. Đấy là anh ý nói thế, sau hơn 30 năm, phát biểu trước đông đảo anh em cơ quan tại buổi chia tay tôi về hưu. Ngạc nhiên, sau đó tôi hỏi lại anh ý vẫn bảo như vậy, thật mà. Thôi cứ cho là anh ý cường điệu đi, nhưng thực sự những người xứ quê công tác ở Hà Nội mà không có chỗ ở thì lấy vợ xong sẽ ở đâu. Nhà tập thể thật sự quý lắm, xin còn chả được, chưa thấy ai bỏ bao giờ.

Thế là tôi trở thành người làng hoa Ngọc Hà. Nhớ ngày đầu tiên đi tăm đất cùng ông anh cọc chèo. Đi nhiều nơi, khu vực Nghĩa Đô gần cơ quan, khu vực làng gần khu tập thể Thành Công,…không tìm được chỗ nào ưng ý vừa túi còm của mình. Rồi đến khu vực cung văn hóa thiếu nhi giữa phố Đội Cấn và đường Hoàng Hoa Thám, rà đoạn cuối các đường Đội Cấn và Hoàng Hoa Thám cũng không được, chỗ nào cũng quy hoạch rồi, mà chả biết có thay đổi quy hoạch gì không mà đến tận bây giờ vẫn chưa thấy thực hiện. Rồi duyên số đến, mấy anh em chúng tôi theo mối người quen đến thăm làng hoa Ngọc Hà. Chúng tôi rẽ xuống dốc ngõ Nhà máy Bia Hà Nội, nơi bán bia hơi mậu dịch lúc nào cũng đông kín người. Bác chủ nhà chỉ cho chúng tôi mảnh đất ngay đầu ngõ, vuông vức. Rồi bác dẫn chúng tôi thăm một mảnh nữa. Chúng tôi đi sâu vào ngõ, rẽ vào bờ mương thoát nước thành phố, vòng vèo qua các bờ ruộng, rặng tre, bờ ao, vườn hoa… Lúc đó là xế chiều, nắng hanh vàng. Trời đẹp quá! Khắp nơi hoa đủ loài đủ màu khoe sắc. Hoa dưới ruộng, trong vườn, hoa trên cây, hoa ở bờ rào. Dưới cánh đồng hoa từng luống thẳng tắp, tạo nên bức tranh huyền hoặc lắp ghép những mảng màu rung rinh trong buổi chiều tà. Ong bướm lượn bay điểm tô vẽ nên cảnh thần tiên hạ giới.

Thế là ba anh em chúng tôi quyết định chọn nơi đây sinh sống. Những người dân quê như chúng tôi dù có trải qua bao năm sống, học tập, công tác nơi đô thành cũng không thể nguôi ngoai nỗi nhớ những thửa ruộng, bờ ao, không thể quên đi những mùi hương đặc trưng đồng ruộng.

Rồi chúng tôi, ba anh em kết mảnh đất vỏn ven gần 140 m2 với ngôi nhà tre mái lá, cột luồng, 3 gian, vách bùn rơm, ọp ẹp, cũ nát chắc làm từ bốn năm chục năm trước đó, nằm ở khu trại ổi giữa cánh đồng các làng Hữu Tiệp, Đại Yên, Đống Nước. Cánh đồng khi đó còn rộng thoáng thuộc quản lý của HTX Hoa Rau. Ngoài việc trồng hoa của các hộ dân, có nhiều thửa có lúc còn trồng rau cấp cho thương nghiệp. Và thế là tôi trở thành người làng hoa Ngọc Hà từ đó.

Nhập cuộc trồng hoa

Ở đó được một năm. Ngay cạnh nhà có thửa ruộng khoảng một sào Bắc Bộ bỏ hoang từ khi nào không rõ, cỏ mọc dày trùm kín. Tiếc của lại nổi máu canh điền, và cũng muốn gia tăng thu nhập bù cho đồng lương ít ỏi của mình. Bàn với vợ, tôi rủ một anh bạn quyết trí tăng gia nhập nghề trồng hoa dịp Tết. Kế hoạch nhanh chóng được thực hiện.

Chúng tôi khảo sát cho khâu làm đất. Cắt cỏ xong thì cuốc cho dễ, nhưng thế thì lâu quá. Thấy ruộng ướt, đất nền mềm, chúng tôi quyết định ra chợ Bưởi chọn cuốc, loại nặng nặng, lưỡi hẹp, dài và sắc để bỏ qua công đoạn cắt cỏ. Lúc bấy giờ chúng tôi chưa đầy 30 tuổi, sức trẻ lực điền vẫn còn nguyên nên không ngán. Hai buổi từ chiều tối đến nửa đêm, ban ngày vẫn đi làm bình thường, một sào ruộng đã được cuốc bật tung gốc rễ từng cây cỏ. Đất trồng hoa rau trước đây nên dễ dàng rũ bỏ cỏ dại để lại thửa ruộng sẵn sàng vào vụ. Chúng tôi để ải, phơi đất một thời gian. Lúc đó vào tầm tháng 8, 9 âm lịch, xung quanh dân làng cũng bắt đầu khâu làm đất.

Thú thật lần đầu trồng hoa cũng lo lắm. Kỹ thuật trồng hầu như mù tịt. Kiến thức trồng trọt chỉ đạt loại khá môn sinh vật ở phổ thông. Tôi sang Viện Sinh học bên Viện Khoa học Việt Nam bảo anh bạn mượn cho sách kỹ thuật trồng hoa. Có sách, tôi đọc ngấu nghiến, thế là có lý thuyết. Nắm chắc đến nỗi sau này ngồi với mấy bác đầu bờ trao đổi, thực ra là mình muốn học lỏm kinh nghiệm từ các bác ý, mà các bác ý kháo nhau là mình là kỹ sư trồng hoa ở Viện Khoa học Việt Nam.

Thế rồi các bác ý làm đất thế nào mình làm thế. Mua giống ở đâu mình mua ở đấy. Lúc nào trồng, lúc nào ngắt ngọn, chăm sóc thế nào, bón lót, bón thúc lúc nào, tưới thế nào,…cứ răm rắp học theo các bác nông dân dạn dầy kinh nghiệm. Sau này mới biết trồng cho cây sống cũng không khó lắm, nhưng sao cho hoa nở đúng dịp Tết mới là khó, mới là thành công, bởi khi đó mới được giá, còn không thì công sức chẳng được là bao.

Hoa Ngọc Hà

Người dân Ngọc Hà trồng đủ các loại hoa đẹp như thược dược, lay ơn, cẩm chướng, vi-ô-lét, loa kèn, bướm, cúc, hồng,…Chúng tôi năm đó chỉ trồng thược dược, cẩm chướng, vi-ô-lét, bướm, là mấy loài hoa người dân Hà Nội dùng khá phổ biến khi đó trong những ngày tết sau cành đào, cây quất. Mỗi loài hoa mang cho mình một sắc đẹp và ý nghĩa riêng biệt, có những loài hoa mang ý nghĩa của tình yêu, loài thì tượng trưng cho sự trong trắng, cao quý của người con gái, có loài hoa tượng trưng cho tình bạn, …và còn nhiều nữa, nhiều ý nghĩa lắm lắm. 

Thược dược là loài cây thân thảo mọng nước ra hoa với nhiều màu sắc khác nhau. Hoa có hoa đơn và hoa kép với nhiều màu sắc khác nhau rất đẹp như: đỏ cờ, tiết dê, da cam, sen thẫm, sen nhạt, trắng sữa, trắng trong, vàng,… Mỗi màu hoa tượng trưng cho một ý nghĩa riêng. Màu đỏ tượng trưng cho tình yêu ngọt ngào, hạnh phúc bền lâu, cũng như cho tính nhiệt huyết, đam mê mãnh liệt của tuổi trẻ. Màu trắng tượng trưng cho sự trong sáng, thuần khiết và dịu dàng của người con gái. Màu vàng tượng trưng cho sự sang trọng, thịnh vượng, giàu sang, phú quý cho gia chủ, cũng như thông điệp “ngập tràn hạnh phúc” cho lứa đôi. Màu tím tượng trưng cho sự thủy chung, son sắt của tình cảm vợ chồng, trước sau vẫn như một…

Lay Ơn còn được gọi với cái tên phổ biến khác là “hoa dơn” là những cây  thân cao với những bông hoa lớn hình phễu. Lá cây hình kiếm dài, màu xanh đậm. Hoa có kích thước từ 5 – 10cm với nhiều màu sắc khác nhau: đỏ, hồng, trắng, … Ở Việt Nam, hoa lay ơn được xem là loài hoa mang lại vượng tài cho gia chủ. Nó được gọi là lan kiếm có ý nghĩa về mặt phong thủy với tác dụng trừ tà, xua đuổi điềm xấu, mang đến may mắn cho gia đình.

Cẩm Chướng có đặc điểm thân mảnh, có các đốt ngắn mang lá kép, bé, thân gãy khúc nhiều, hoa có nhiều màu sắc từ đỏ, hồng, trắng, vàng,…, cùng với một số màu trắng với các biến thể sọc màu đẹp mắt. Cẩm Chướng thơm đặc trưng và quyến rũ, một nét đẹp dịu dàng, trầm lặng đầy kiêu sa, nên hoa thể hiện sự ái mộ, sắc đẹp và tình yêu của phụ nữ. Với vẻ đẹp nhẹ nhàng, thu hút của mình thì quả thật là đại diện hàng đầu cho phái đẹp. Ngoài ra, ý nghĩa hoa Cẩm Chướng còn tượng trưng cho lòng chung thủy, tình bè bạn, lòng quý mến, tình yêu trong trắng, thanh cao.

Violet là một loài cây thân thảo nhỏ dễ trồng, có hoa rất đẹp với đủ sắc màu khác nhau, trong đó có màu tím thủy chung. Hoa violet có nhiều giống, có loại cánh đơn, cánh kép được dân Việt mình ưa chuông từ lâu.

Loa kèn, hay còn gọi là hoa ly, hoa lily, hoa bách hợp, hoa huệ tây.  Là một trong những loài hoa được ưa chuộng bậc nhất. Giống hoa này có thân tương đối cứng. Hoa sau khi mọc có thể chúc xuống, vươn dài hoặc hướng thẳng đứng. Loa kèn có nhiều màu sắc, từ hoa trắng, hồng phấn, đỏ, vàng…. Hoa có mùi thơm dịu nhẹ, làm “mê mẩn lòng người”.

Bướm thuộc họ hàng hoa Cúc. Hoa có rất nhiều loại và cũng rất phổ biến ở nước ta. Hoa cánh bướm là loài hoa mảnh mai với vẻ đẹp nhẹ nhàng, xinh xắn, tuy rằng có thân mình mỏng manh nhưng lại được tượng trưng cho sự sinh tồn và phát triển mãnh liệt.

Hoa đồng tiền khá phổ biến, có những đặc điểm và nét đặc trưng riêng có thể dễ dàng nhận biết. Loài hoa này cũng rất đa dạng về màu sắc. Mỗi màu sắc của hoa  lại mang những ý nghĩa đặc trưng riêng. Thế nhưng, cho dù là màu gì thì đồng tiền cũng đại diện cho niềm hạnh phúc. Hoa đồng tiền sở hữu vẻ đẹp tươi mới và luôn tràn đầy năng lượng.

Ngoài các loài hoa kể trên người dân còn trồng những loại hoa khác, cả các loài chỉ lấy bông hoa để thờ cúng nữa.

Kể tiếp trải nghiệm trồng hoa Tết

Lại kể tiếp câu chuyện trồng hoa năm đó. Sau khi phơi ải đất khô, chúng tôi đập đất, nhặt sạch cỏ và đánh luống cao, làm rãnh thoát nước để tránh ngập úng khi có mưa xuống. Các loài hoa đều không ưa ngập úng nước. Đập đất san bề mặt luống, bón lót phân vào các hốc để trồng cây giống. Khoảng cách mỗi hốc tùy từng loại cây.

Cây mới trồng, nên trời nắng phải che vài ba ngày. Hàng ngày phải tưới nước cho đủ. Cây còn yếu nên dùng gáo múc nước tưới nhẹ nhàng từng hốc một. Không được để bề mặt luống thiếu ẩm cây dễ chết do mất nước. Nhưng tưới nhiều cây sẽ bị thối rễ. Nên tưới ngày hai lần, vào buổi sáng và cuối buổi chiều để tránh cây bị cháy nắng. Khi cây trưởng thành tưới mỗi ngày một lần. Khâu chăm sóc rất quan trọng, quyết định chất lượng và thời điểm ra hoa. Riêng đối với thược dược khi cây lên được khoảng 6 lá thì bấm ngọn để cây đẻ ra nhiều nhánh. Rồi việc bón bổ sung phân, tưới phun sương chống sương muối, phun sương giữa trưa, thắp đèn ban đêm để kích thích ra hoa đúng thời điểm và còn nhiều việc nữa. Gần đến ngày Tết người trồng hoa còn phải trông nom bảo vệ. Chúng tôi cũng vậy.

Rồi thành quả đã đến. Những nụ, rồi hoa bắt đầu xòe nở… Trời ấm, còn nửa tháng nữa là Tết. Tất cả như trong kịch bản định sẵn. Bỗng trời chuyển gió mùa đông bắc. Trời trở lạnh. Các gương mặt vui tươi, rạng rỡ hôm trước giờ trở lên trầm lặng, hết nhìn trời, nghe ngóng thời tiết. Giữa trưa trời hửng nắng tất cả ra vườn tưới roa lên hoa… Năm đó hoa đã nở đúng dịp Tết.

Sáng 30 Tết bắt đầu thu hoạch hoa từ sớm để kịp chợ phiên 30. Sáng đó cũng có một vài khách đến tận vườn mua hoa. Nếu như bây giờ chắc nhiều người đến thăm và tạo dáng chụp hình lắm. Trưa 30 chuyến xe (đạp) đầu tiên ra chợ. Rồi những chuyến sau đó. Hôm đó, bán trên phố Mai Hắc Đế, chúng tôi phải để nhờ hoa trong nhà một bác trước đó không hề quen biết, chỉ bỏ ít một ra bán. Cứ mỗi lần bỏ ra là mọi người lại đổ xô đến mua. Chẳng hiểu mát tay, có duyên hay bán rẻ hay mọi người thương dân không chuyên buôn bán như chúng tôi, nhìn mặt và cách bán là biết ngay thôi, mà hôm đó 4 giờ chiều đã bán hết sạch. Về nhà chuẩn bị cơm tối 30 xong xuôi mà nhiều bác trong xóm vẫn chưa về. Kiểm những đồng tiền bán hoa đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời thấy vui vui. Nhưng cũng nói thật, nó khác xa với cách tính số hoa trên cây nhân với số tiền một bông lắm. Khác với đếm cua trong lỗ, bông hoa rõ ràng là nhìn thấy, đếm được hẳn hoi, thế mà kết quả lại gần giống như đếm cua trong lỗ vậy. Thế mới biết nghề trồng hoa làm đẹp cho đời cũng nhiều vất vả. Tôi không kể hết các công việc người trồng hoa phải làm để có những bông hoa đẹp đâu. Tháng giêng sau Tết năm đó, chúng tôi trồng rau cải canh. Một tháng sau dùng xe cải tiến chở ra Cửa hàng rau chợ Ngọc Hà, cách nhà gần 2 km trả sản lượng cho nhà nước…

Câu chuyện trên là một kỷ niệm, khó quên trong đời. Nhớ lại một thời gian khó. Chắc giờ chẳng ai còn nghĩ đến một người học chuyên ngành chế tạo máy có một thời đi nhập môn trồng hoa bán Tết tại làng hoa Ngọc Hà danh giá bậc nhất kinh kỳ. Giờ đây mỗi lần trông thấy các loại hoa này tôi không khỏi rạo rực nhớ những tháng ngày năm ấy. Nhớ và yêu hoa Ngọc Hà nhiều, nhà tôi thỉnh thoảng vẫn có thói quen mua các loại hoa này mỗi khi có dịp.

Trước thềm năm mới, ký ức năm xưa lại ùa về, xin tản mạn đôi điều về kỷ niệm 40 năm về trước.../.

TIN LIÊN QUAN