TCVN 13978:2024 hướng dẫn kỹ thuật đối với vật liệu làm phẳng sàn

(CL&CS) - Để đảm bảo vật liệu làm phẳng sàn đạt yêu cầu kỹ thuật khi lưu hành trên thị trường, việc sản xuất nên tuân thủ theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13978:2024.

Vật liệu làm phẳng sàn là lớp trung gian có vai trò rất quan trọng trong kết cấu hoàn thiện công trình, giúp tạo bề mặt bằng phẳng, ổn định cho sàn và tăng độ bền cho lớp phủ hoàn thiện như gạch, gỗ, sơn hoặc thảm.

Nếu vật liệu này không đảm bảo chất lượng, sàn nhà có thể bị lún, rạn nứt hoặc nhanh chóng xuống cấp, ảnh hưởng đến cả thẩm mỹ và an toàn sử dụng. Chính vì vậy, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13978:2024 về vật liệu làm phẳng sàn được ban hành nhằm đảm bảo sản phẩm lưu hành trên thị trường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật cần thiết.

Theo tiêu chuẩn này, vật liệu làm phẳng sàn cần đảm bảo hỗn hợp trộn giữa xi măng, cốt liệu (chủ yếu là cát) và phụ gia đạt độ đồng nhất cao. Kích thước hạt trong hỗn hợp phải phù hợp, đủ mịn để bề mặt hoàn thiện không bị rỗ, lồi lõm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho lớp phủ phía trên bám chắc và bền lâu.

Một yêu cầu quan trọng khác là cường độ chịu lực và khả năng bám dính của vật liệu với nền sàn phải cao, đảm bảo lớp vật liệu không bong tróc hay nứt gãy trong quá trình sử dụng.

Vật liệu làm phẳng sàn nên đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Khả năng chịu ẩm cũng là một tiêu chí bắt buộc. Vật liệu làm phẳng sàn cần hạn chế hấp thụ nước, chống thấm ngược, tránh gây hư hỏng cho các lớp vật liệu bên trên. TCVN 13978:2024 quy định cụ thể các phương pháp kiểm tra tính chất cơ lý của vật liệu như tỷ lệ trộn, độ bám dính, khả năng mài mòn… bằng các phương pháp dễ áp dụng tại phòng thí nghiệm tiêu chuẩn.

Với những nơi có yêu cầu bắt buộc về khả năng chống cháy, vật liệu làm phẳng sàn phải được đánh giá khả năng phản ứng với lửa theo tiêu chuẩn EN 13501-1. Tùy trường hợp, vật liệu có thể được miễn thử nghiệm nếu thành phần hữu cơ không vượt quá 1% (tính theo khối lượng hoặc thể tích) và sẽ được phân loại ở cấp A1 – mức độ an toàn cao nhất. Ngoài ra, có những vật liệu đủ điều kiện phân loại nhóm E mà không cần thử nghiệm thêm. Nếu không thuộc diện miễn thử, nhà sản xuất phải thử nghiệm mẫu vật liệu để xác định nhóm cháy cụ thể cũng như các yếu tố phụ như lượng khói hoặc tàn lửa phát sinh.

Bên cạnh khả năng chống cháy, vật liệu làm phẳng sàn còn phải được công bố về mức độ phát tán chất ăn mòn, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường hay sức khỏe người dùng. Cường độ chịu nén và uốn là hai thông số bắt buộc phải công bố, tùy theo nền vật liệu là xi măng, magnesit, canxi sulfat hay nhựa tổng hợp. Độ chịu uốn được ký hiệu bằng chữ F kèm theo giá trị tính bằng MPa, còn độ chịu mài mòn được đo bằng một trong 3 phương pháp phổ biến: Böhme (Böhme abrasion test), BCA hoặc bánh xe lăn theo các tiêu chuẩn TCVN 13480 tương ứng. Đây là những phương pháp phổ biến được sử dụng để đo độ chịu mài mòn của vật liệu, đặc biệt là trong tiêu chuẩn đánh giá vật liệu làm phẳng sàn.

Tiêu chuẩn cũng cho phép sử dụng các phương pháp kiểm tra khác nếu chứng minh được tính tương thích với những tiêu chuẩn nêu trên. Tất cả những yêu cầu này nhằm giúp các bên thiết kế, thi công và giám sát công trình lựa chọn được vật liệu làm phẳng sàn phù hợp, an toàn, có độ bền cao, hạn chế nguy cơ tai nạn hoặc hư hỏng trong quá trình sử dụng lâu dài.

Việc tuân thủ tiêu chuẩn này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng công trình mà còn giảm thiểu chi phí sửa chữa, bảo trì, nâng cao uy tín cho chủ đầu tư, nhà thầu cũng như bảo vệ người sử dụng khỏi các rủi ro về sức khỏe và an toàn khi sử dụng công trình.

TIN LIÊN QUAN