TCVN 13708:2023 quy định thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal

(CL&CS) - TCVN 13708:2023 quy định về thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal, bao gồm các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm halal.

TCVN 13708:2023 quy định thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal. (Ảnh minh họa)

TCVN 13708:2023 về thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn quy định về thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất halal, bao gồm các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm halal. Theo đó, cơ sở là tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói sản phẩm nông nghiệp hoặc phân phối các sản phẩm đó trên thị trường. Cơ sở có thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình.

Về yêu cầu chung, cơ sở phải có hệ thống lưu hồ sơ riêng đối với mỗi đơn vị sản xuất, bao gồm lịch sử và toàn bộ hoạt động nông nghiệp được thực hiện tại đơn vị sản xuất đó. Hồ sơ cần được lưu trữ sao cho dễ theo dõi, dễ truy nhập và phải được cập nhật.

Cơ sở phải có kế hoạch giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm đã được nhận diện; kế hoạch này phải được rà soát định kỳ để đảm bảo tính hiệu lực và tính bền vững. Kế hoạch giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm phải bao gồm một hoặc một số trong các nội dung sau: chất lượng môi trường, tính kết dính của đất, tình trạng xói mòn đất, phát thải khí từ các nhà màng, nhà kính, mức độ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật…

Đồng thời, cơ sở phải có bản đánh giá nguy cơ về vệ sinh, bao gồm cả môi trường sản xuất; phải có quy trình vệ sinh được lập thành văn bản và có các bảng hướng dẫn vệ sinh đặt tại các vị trí dễ quan sát đối với nhân viên và khách tham quan khi hoạt động của họ có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm; hàng năm, tất cả nhân viên làm việc tại cơ sở phải được tập huấn vệ sinh;…

Mặt khác, cơ sở cần xác định và lập danh sách tất cả các loại chất thải tiềm ẩn (ví dụ: giấy, bìa các-tông, nhựa, dầu...) và các nguồn gây ô nhiễm (ví dụ: phân bón dư thừa, khói bụi, dầu, nhiên liệu, tiếng ồn, hóa chất, chất thải từ thức ăn chăn nuôi...). Từ đó, cơ sở phải có kế hoạch được lập thành văn bản trong đó hướng đến việc quản lý chất thải nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu chất thải và chất ô nhiễm, ngăn chặn việc chôn, đốt rác thải và thay thế bằng việc tái chế rác thải, có tính đến các chất ô nhiễm từ không khí, đất, nước.

Ngoài ra, cơ sở phải có quy trình kiểm tra hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy trình này phải được lập thành văn bản và thực hiện hàng năm; phải có quy trình được lập thành văn bản đối với việc thu hồi sản phẩm.

TIN LIÊN QUAN