TCVN 10382:2024 thống nhất hệ thống thuật ngữ và định nghĩa di sản văn hóa

(CL&CS) - Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10382:2024 vừa được ban hành nhằm thống nhất hệ thống thuật ngữ và định nghĩa liên quan đến di sản văn hóa. Việc áp dụng tiêu chuẩn này giúp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong nước.

Di sản văn hóa là những giá trị tinh thần, vật thể hoặc phi vật thể được cộng đồng gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ. Đó có thể là công trình kiến trúc, di tích khảo cổ, lễ hội, ngôn ngữ, tập tục, âm nhạc, tri thức dân gian...Việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại.

Trong quá trình nghiên cứu, bảo tồn và quản lý di sản, việc áp dụng thống nhất các thuật ngữ và định nghĩa là điều hết sức cần thiết để đảm bảo tính nhất quán, khoa học và hiệu quả. Đây cũng là lý do khiến Tiêu chuẩn TCVN 10382:2024 ra đời, nhằm thiết lập một hệ thống thuật ngữ và định nghĩa chung liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa và các vấn đề liên quan.

Di sản văn hóa là những giá trị tinh thần, vật thể hoặc phi vật thể được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ. Ảnh minh họa

Tiêu chuẩn TCVN 10382:2024 nêu rõ và hệ thống các thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong công tác quản lý, bảo tồn và nghiên cứu di sản văn hóa. Một số thuật ngữ chính bao gồm: “di sản văn hóa vật thể” (chỉ các đối tượng hữu hình như công trình, hiện vật, di tích), “di sản văn hóa phi vật thể” (gồm các yếu tố như tập quán xã hội, nghi lễ, tri thức dân gian), “giá trị di sản” (bao gồm giá trị lịch sử, nghệ thuật, khoa học, xã hội, tôn giáo...), hay “bảo tồn di sản” (bao gồm các hoạt động gìn giữ nguyên trạng hoặc phục hồi nguyên gốc di sản).

Tiêu chuẩn này cũng làm rõ các khái niệm thường gây nhầm lẫn trong thực tiễn như “trùng tu”, “phục chế”, “bảo vệ”, “khai thác”, “phát huy giá trị”, nhằm tránh sự mơ hồ khi áp dụng trong các văn bản quản lý, hồ sơ khoa học hoặc trong quy trình thực hiện dự án bảo tồn. Ngoài ra, TCVN 10382:2024 còn đưa ra định nghĩa về “tính xác thực” và “tính toàn vẹn” của di sản, hai nguyên tắc quan trọng khi đánh giá giá trị và xác định hình thức bảo tồn phù hợp.

Việc tuân thủ tiêu chuẩn không chỉ giúp các cơ quan chức năng, nhà nghiên cứu, chuyên gia và cộng đồng địa phương có tiếng nói chung khi tiếp cận di sản, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong các chương trình như công nhận di sản thế giới hay các dự án bảo tồn mang tầm khu vực. Đây là bước đi cần thiết, phù hợp với xu hướng quốc tế hóa trong lĩnh vực bảo tồn di sản, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống một cách khoa học, hệ thống và bền vững.

TIN LIÊN QUAN