Tăng thuế VAT lên 12%: Lo lắng bao trùm doanh nghiệp địa ốc

(NTD) - Cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đang rất hoang mang trước thông tin sẽ tăng thuế VAT lên 12%, bởi điều này buộc giá thành sản phẩm tăng và hạn chế sức mua.

Lo lắng bao trùm doanh nghiệp đặc biệt là bất động sản bởi viễn cảnh, giá nhà tăng cao dẫn đến đóng băng.

Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo hai phương án. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1. Thông tin này được Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế GTGT, thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế Tài nguyên.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia kể cả các nước phát triển có xu hướng cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.

Cụ thể, tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (TNDN và TNCN), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (GTGT và TTĐB).

Theo đề xuất mới này thì cùng một lúc bất động sản gánh chịu nhiều thiệt thòi. Một doanh nghiệp chuyên đầu tư thị trường ở Long An, xin giấu tên cho biết, một nền đất chúng tôi bán ra chỉ vào khoảng 250-350 triệu đồng, hình thức bán cũng không thu một lần mà trả chậm trong 1-2 năm. Khi Nhà nước thu thuế VAT tiền đất, khoản thu đó sẽ được hạch toán vào giá thành, giá nền đất tăng lên chắc chắn hạn chế lượng khách hàng.

Nếu như tác động vào các doanh nghiệp chuyên đất nền 1 thì các dự án căn hộ, biệt thự số lượng sẽ rất đáng kể vì giá thành sản phẩm cao hơn. Một dự án biệt thự ở Quận 9 với giá bán 5-6 tỷ đồng/căn chưa VAT. Nếu quy định tăng thuế được áp dụng thì giá bán sau khi VAT lên 500-600 triệu đồng. Rõ ràng sẽ tác động rất mạnh lên thị trường bất động sản.

Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land, đánh giá nếu đề xuất này được áp dụng vào thực tiễn thì có 3 đối tượng bị tác động là cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Đối với doanh nghiệp khi tăng VAT thì giá trị thanh toán sản phẩm tăng, lúc này mãi lực bán hàng sẽ sụt giảm. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng bị thiệt thòi khi phải đóng thêm một khoản thuế 2% phát sinh từ VAT. Với loại hàng hóa có giá trị cao như bất động sản việc tăng thuế VAT rất đáng lo ngại” - ông Phúc đánh giá.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, đánh giá: Theo số liệu thống kê, trong 10 năm trở lại đây, nguồn thu thuế tạo ngân sách Nhà nước chiếm từ 22-27%, trong khi đó, tại Ấn Độ chỉ chiếm 10%, Thái Lan chiếm từ 12-17%.

Theo ông Tín, đối với người dân và doanh nghiệp, giải pháp để giảm chi hoặc là tìm cách thức chi tiêu ngân sách Nhà nước có hiệu quả thì dễ nhận được sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp hơn là tăng thuế.

“Bất kỳ loại thuế nào tăng, phía cơ quan quản lý Nhà nước đều phải có đánh giá về sự tác động của việc tăng thuế đó đến cuộc sống của người dân, đến các hoạt động của doanh nghiệp” - ông Tín nhìn nhận.

Nguyên Vũ

 
Nên đọc