Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

(CL&CS)- Trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả khả quan. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, nhưng chủ thể sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là các hộ gia đình, điều này khiến cho sự phát triển của ngành nông nghiệp thiếu tính đột phá, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Bên cạnh những thành tích đạt được, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; thị trường thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu.

Theo ban tổ chức, quý I năm 2023 tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung - đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp vẫn là ngành phát triển ổn định. Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66%.

Tọa đàm cho thấy những thách thức với nông nghiệp Việt Nam như, chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, thiếu ổn định, tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải còn rất hạn chế trong khi các yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe.

Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Tổ chức sản xuất chuyển đổi chậm, vẫn chủ yếu dựa vào hộ sản xuất quy mô nhỏ (9,1 triệu hộ nông dân), thiếu bền vững khi xu hướng tăng đầu vào để nâng cao năng suất và phòng, chống dịch bệnh phức tạp còn khá phổ biến. Tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế chiếm chủ yếu, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại so với nhiều nước khác. Năng lực chủ động và khả năng thương thuyết trong thương mại quốc tế, năng lực phân tích thông tin và dự báo thị trường vẫn còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thương mại, logistics, giao thông vận tải không đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu nội địa. Việt Nam thiếu các trung tâm kết nối nông sản tại các vùng miền, thiếu hệ thống kho ngoại quan và trung tâm hậu cần phục vụ xuất khẩu. Các trung tâm logistics kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng đúng mức.

TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tếTrung ương) cho biết, để tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phát triển theo định hướng đúng đắn, đối với Nhà nước, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp phải được xem là đầu tàu dẫn dắt ngành nông nghiệp phát triển, cần phải đầu tưtrọng tâm để đầu tàu được lớn mạnh.

TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tếTrung ương) 

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách mang tính khuyến khích để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, quan tâm tới phát triển số lượng doanh nghiệp, bởi chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp sẽ hướng nhiều hơn vào việc thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển dịch từ khu vực hộ kinh doanh nông nghiệp, hộ đại điền sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, dần thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp phi chính sách sang chính thức. 

Song song với đó là các chính sách hỗ trợ nông dân và lực lượng lao động thông qua các loại hình doanh nghiệp. Cần xây dựng chiến lược và chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực này phải có sự phối hợp đồng bộ để bao quát hết đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng và có chương trình đặc thù cho các ngành, lĩnh vực, chuỗi giá trị khác nhau.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng cũng là một chính sách quan trọng. Theo đó, mở rộng hạn mức vay và cắt giảm điều kiện và thủ tục vay cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn được tốt hơn, tập trung cho các doanh nghiệp vay vốn để phát triển theo chuỗi giá trị. 

Song song với đó, cần triển khai liên tục và thường xuyên các hoạt động kết nối cung - cầu để kết nối giữa các nhà sản xuất, các doanh nghiệp nông nghiệp với hệ thống phân phối nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối và các mô hình tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.

Đồng thời đánh giá, hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội tăng xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả. Nông sản Việt Nam có lợi thế hơn trong thương mại, nhiều cơ hội lựa chọn thị trường và đối tác, giảm mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh hội nhập với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhiều cơ hội cho chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, góp phần vào phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN