Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên khâu lưu thông

(CL&CS) - Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên khâu lưu thông nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn vẫn diễn ra. Để chủ động thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, Đội Quản lý thị trường số 3 (Đội QLTT cơ động) thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn đã chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên khâu lưu thông, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu không mới nhưng ngày càng tinh vi. Đối tượng điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa vào cuối tuần, ngoài giờ làm việc, tổ chức giao nhận hàng hóa ở những khu vực vắng người, đường mòn, nơi tập kết có nhiều đường tránh để tẩu thoát.

Lực lượng chức năng kiểm tran hàng hoá vi phạm trên phương tiện vận chuyển.

Với vị trí là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Đội Quản lý thị trường số 3, đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông dừng, khám phương tiện vận chuyển có dấu hiệu vi phạm trên khâu lưu thông,

Trong tháng 5/2023, Đội QLTT số 3 đã phát hiện, xử lý 05 vụ việc vi phạm: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 20.250.000 đồng. Tang vật chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường với số lượng trên 1.500 đơn vị sản phẩm đã được tiêu hủy, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 46.695.000 đồng.

Trong thời gian tới, Đội QLTT số 3 tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực tập kết hàng hóa, các chợ trung tâm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thường có vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm tại địa bàn. Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng công chức để liên tục bám sát địa bàn. Xây dựng phương án tổ chức lực lượng, bố trí phương tiện và duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn thường xuyên, hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN