Sau kiểm toán, nhiều doanh nghiệp từ lãi chuyển thành lỗ

(NTD) - Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã chuyển từ lãi sang lỗ hoặc từ lỗ ít sang lỗ nhiều thường xuyên xuất hiện sau báo cáo tài chính kiểm toán. Mùa kiểm toán bán niên 2019 không là ngoại lệ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) công bố doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 50.914 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 704 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế đã giảm hơn 173,4 tỷ đồng, tương đương 19,8% so với báo cáo của công ty đưa ra trước đó.

Công ty lý giải sự chênh lệch này là do việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho sau soát xét tăng 119,7 tỷ đồng bởi giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho (dầu thô, thành phẩm) tại thời điểm kiểm toán thấp hơn so với thời điểm công ty tự lập báo cáo. Ngoài ra, một số chi phí của tháng 6/2017 nhưng nhận được hồ sơ sau ngày chốt số liệu báo cáo trước soát xét dẫn đến ghi nhận thiếu chi phí.

Sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn - Lọc giảm hơn 173,4 tỷ đồng so với báo cáo của công ty đưa ra trước đó.

Đóng cửa ngày 26/8, cổ phiếu BSR đạt 9.300 đồng/cổ phiếu, giảm 70% kể từ ngày đầu tiên lên sàn UPCoM vào 1/3/2018.

Lợi nhuận sau thuế sau soát xét bán niên 2019 của CTCP Kosy (KOS) đã bốc hơi 25,33% so với báo cáo công ty tự lập trước đó. Lợi nhuận sau thuế sau soát xét bán niên 2019 chỉ còn 13,4 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu này do công ty tự lập là gần 18 tỷ đồng.

Công ty cho rằng nguyên nhân sụt giảm do các loại chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng. Bên cạnh đó, công ty thực hiện trích thêm thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính trong 6 tháng đầu năm. Đóng cửa ngày 26/8, cổ phiếu KOS đạt 26.200 đồng/cổ phiếu.

CTCP Lilama 5 (LO5) và CTCP Xây dựng số 9 (VC9) đều chuyển từ lãi sang lỗ sau khi soát xét báo cáo bán niên 2019. Trong đó, LO5 chuyển từ lãi 77 triệu đồng sang thành lỗ 3,8 tỷ đồng, còn VC9 chuyển từ lãi 786 triệu đồng thành lỗ 4,5 tỷ đồng. Đóng cửa ngày 26/8, cổ phiếu LO5 đạt 1.900 đồng/cổ phiếu, VC9 đạt 9.500 đồng/cổ phiếu.

Sau soát xét báo cáo tài chính bán niên 2019, CTCP An Trường An (ATG) tăng khoản lỗ thêm 15,8 tỷ đồng lên thành 16,8 tỷ đồng. Công ty cho rằng nguyên nhân dẫn đến chênh lệch trên là do tăng chi phí trích lập dự phòng phải thu của khách hàng chưa thu hồi được công nợ hơn 15,8 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2019, ATG bị lỗ lũy kế 27,5 tỷ đồng khiến đơn vị kiểm toán nhấn mạnh: Cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục cùa công ty trong 12 tháng tới". Đóng cửa ngày 26/8, cổ phiếu ATG còn 1.160 đồng/cổ phiếu, giảm 90,6% kể từ khi cổ phiếu này lên sàn vào ngày 22/8/2016.

Chi Lê

Nên đọc