Sân vận động từ thời Pháp thuộc từng có sức chứa lớn nhất Việt Nam, 'soán ngôi' công trình lọt top Đông Nam Á, nay là niềm tự hào của người dân Tây Đô

Công trình này qua thời gian vẫn luôn là niềm tự hào của người dân vùng đất được mệnh danh là 'thủ phủ" Tây Nam Bộ.

Sân vận động Cần Thơ là sân vận động đa năng nằm bên bờ sông Hậu, trên trục đường Lê Lợi thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Sân vận động Cần Thơ đặc biệt không chỉ bởi quy mô rộng lớn mà lịch sử của công trình này cũng là điều gây nhiều tò mò.

Toàn cảnh sân vận động Cần Thơ từng là sân vận động có sức chứa lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Nguyên Trương.

Theo đó, cho đến nay vẫn chưa có thông tin xác định về thời điểm hình thành cũng như lịch sử của sân Cần Thơ. Công trình này được cho là xây dựng từ thời Pháp thuộc. Ở thời điểm mới hình thành, nơi đây có sức chứa tối đa lên đến 50.000 người bởi có thể tận dụng các bậc không lắp ghế và lối đi rộng đến 6m làm chỗ ngồi cho khán giả ở các khán đài B, C, D. Với sức chứa lớn như vậy, sân vận động Cần Thơ từng là sân vận động lớn nhất Việt Nam. Sức chứa này vượt cả sân vận động quốc gia Mỹ Đình - sân vận động nằm trong top 5 sân tốt nhất Đông Nam Á với sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi.

Về kiến trúc nguyên bản, sân vận động Cần Thơ sở hữu lối kiến trúc ấn tượng với khu vực khán đài được đắp bằng đất theo hình lòng chảo, hơ bẹt. Mặt bên trong khán đài được tráng bê tông và tạo ra các bậc thang bằng các tấm đanh đúc bằng xi-măng làm chỗ ngồi cho khán giả. Mặt bên ngoài khán đài được tạo cảnh quan bằng hàng phi lao, phượng vỹ. Trên đỉnh khán đài sân Cần Thơ có đường vòng cung rộng khoảng 6m để cho khán giả di chuyển dễ dàng và cũng là nơi khán giả có thể đứng xem trong trường hợp sân bóng quá đông. Vì thế mà sân từng có sức chứa lên đến 50.000 người.

Năm 2019, sân vận động Cần Thơ nâng cấp ghế ngồi, sức chứa đã giảm xuống còn 30.000 ghế. Ảnh: Đình Tuyến

Vào năm 2019 khi thực hiện cải tạo, các khán đài B, C, D đã được lắp gần hết ghế nhựa ngồi màu xanh lục và xanh lam thay cho các bậc ngồi bằng bê tông. Sức chứa của sân vì thế giảm xuống còn 30.000 ghế ngồi và mất đi kỷ lục từng nắm giữ, nhường danh hiệu "sân vận động lớn nhất Việt Nam" cho sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Mặc dù vậy, sân vận động Cần Thơ bao năm qua vẫn luôn là niềm tự hào của vùng đất được mệnh danh là Tây Đô - "thủ phủ" của Tây Nam Bộ. Sân vận động Cần Thơ là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Cần Thơ - đội bóng từng thi đấu ở giải Vô địch Quốc gia. Trong thập niên 90 khi Cần Thơ đang thi đấu thành công ở giải A1 toàn quốc, khán giả đến sân trung bình khoảng 10.000 người mỗi trận. Năm 2014, giải U21 Quốc tế do báo Thanh Niên tổ chức đã chứng kiến kỷ lục khán giả với hơn 53.000 người với trận chung kết giữa U19 Hoàng Anh Gia Lai và U21 Thái Lan. Bên cạnh đó, trận đấu giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và câu lạc bộ Nhật Bản Avispa Fukuoka năm 2016 cũng ghi nhận số khán giả theo dõi kỷ lục.

Sân vận động Cần Thơ là địa điểm tổ chức giải đua xe thường niên. Ảnh: Báo Cần Thơ

Đặc biệt, nơi đây không chỉ tổ chức bóng đá mà còn là địa điểm cho các cuộc tranh tài, thi đấu của các giải đua xe mô tô. Các cuộc đua xe mô tô trên sân vận động Cần Thơ một năm thường tổ chức 3 lần vào ngày mùng 4 Tết, ngày 30 tháng 4 và ngày 2 tháng 9 và tạo nên một "thương hiệu" thể thao cho vùng đất Tây Đô trong suốt bao năm qua.

Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở khu vực Tây Nam Bộ. Theo Địa chí Cần Thơ, từ trước tới nay, chưa có văn bản nhà nước chính thức nào gọi Cần Thơ là Tây Đô. Tuy nhiên, qua nhiều thời kỳ, Cần Thơ luôn giữ vai trò là trung tâm, có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, vùng đất này được mệnh danh Tây Đô - "thủ phủ" của Tây Nam Bộ.

Hiện có nhiều khu chợ, công trình ở Cần Thơ được đặt tên là Tây Đô, trong đó có một đại học.